Gần 5.000 cá thể rùa đặc hữu của Philippin bị buôn lậu làm thú cưng

BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Philippine Journal of Systematic Biology, nhu cầu bất hợp pháp về thú cưng vẫn là mối đe dọa chính với rùa Leyten (Siebenrockiella leytensis) – loài đặc hữu của Philippin và được xếp vào nhóm 25 loài rùa nguy cấp nhất thế giới.

Theo đó, nạn buôn bán trực tuyến và giao dịch trực tiếp đang gây áp lực lớn lên loài rùa này với 23 vụ bắt giữ và 4.723 cá thể rùa bị tịch thu trong giai đoạn 2004 – 2018. Tuy nhiên, chỉ riêng vụ bắt giữ năm 2015 ở Palawan đã chiếm 83% tổng số cá thể (4.000). Không cá thể nào bị thu giữ trong năm 2019 và 2020.

Giới chức đã bắt giữ 21 nghi phạm nhưng chỉ kết án tù 2 đối tượng, nổi bật nhất là một người đàn ông bị bắt giữ 2 lần trong cùng một năm ở sân bay quốc tế Hồng Kông cùng 157 cá thể rùa.

Loài rùa đặc hữu này được giới sưu tầm săn lùng, gây sức ép rất lớn với bảo tồn loài khi những quần thể mới được phát hiện vào đầu những năm 2000. Vẫn chưa rõ liệu các cá thể rùa bị sưu tầm bất hợp pháp có bị bán làm thức ăn hay không.

Ảnh: Wikimedia Commons

Rùa Leyten bị buôn lậu trực tuyến trong 15 năm qua trên thị trường thú cưng quốc tế và nội địa Philippin. Nghiên cứu giám sát các nhóm trên mạng xã hội và ghi nhận 22 cá thể bị chào hàng trong thời gian 2017 – 2018. Trước đó, từ tháng 2 đến tháng 9/2015, nghiên cứu ghi nhận được hơn 1.000 cá thể rùa Leyten bị chào bán online trên một trang bán hàng ở Trung Quốc.

Nghiên cứu cũng nêu bật lên vấn đề nhân nuôi và rửa nguồn gốc rùa hoang dã qua hoạt động này.

Philippin xuất khẩu 74 cá thể rùa nhân nuôi từ năm 2011 đến 2018. Tuy nhiên, rùa Leyten bị cấm sưu tầm hay buôn bán các cá thể hoang dã từ năm 2001 vẫn được công nhận là rất khó sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Trường hợp thành công duy nhất được ghi nhận là vào tháng 6/2018 sau 10 năm nỗ lực.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng thiếu bằng chứng đáng tin cậy để xác thực sự thành công của việc nhân nuôi ở Philippin hoặc các nơi khác cho tới trước năm 2018 và gần đây chính phủ Philippin cũng từ chối đơn của một cơ sở xin xuất khẩu mẫu vật được tuyên bố là từ nhân nuôi.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng là các mẫu vật hoang dã bị rửa nguồn gốc thành nhân nuôi”, theo tác giả nghiên cứu thuộc TRAFFIC Emerson Sy. “Công bố tạm dừng buôn bán rùa Leyten sẽ xóa bỏ lỗ hổng này, chính phủ cũng ngăn chặn được nạn buôn lậu, đảm bảo loài đặc hữu này tồn tại”.

Nhóm nghiên cứu thúc giục giới chức động vật hoang dã Philippin tăng cường bảo vệ rùa theo địa bàn cũng như có thêm các động thái mạnh mẽ với giới buôn lậu, đồng thời kêu gọi kiểm kê mọi cơ sở đăng ký nhân nuôi rùa (cả công và tư) để xác định những cơ sở này không tham gia buôn bán.

“Chúng tôi có những bằng chứng rằng gần đây cho thấy hoạt động sưu tầm và buôn bán bất hợp pháp vẫn tiếp diễn, nhu cầu về rùa Leyten chưa bị loại bỏ”, TS. Sabine Schoppe, đồng tác giả nghiên cứu và là người đứng đầu chương trình bảo tồn loài thuộc Katala Foundation Inc khẳng định. Theo Sabine Schoppe, cần có thêm các khu bảo tồn được quản lý tốt hơn, thực thi luật mạnh mẽ hơn để giải quyết mối đe dọa với loài rùa tuyệt vời này.

Nhật Anh (Theo TRAFFIC)