BVR&MT – Tòa án nhân dân huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vừa kết án 13 năm 6 tháng tù giam cho năm đối tượng cùng trú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An do săn bắn Voọc xám quý hiếm.
Chiều 25/6, năm đối tượng săn bắn Voọc xám quý hiếm đã bị Tòa án nhân dân huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An xét xử về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ” tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong phiên xét xử lưu động diễn ra ngày 25/6, sau năm tháng bị phát hiện và bắt giữ.
Sau khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ do là người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, Tòa kết án 13 năm 6 tháng tù giam cho năm đối tượng cùng trú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Theo đó, đối tượng Lô Văn Hằng bị kết án 4 năm, Viêng Văn Thủy bị kết án 3 năm, Viêng Văn Sinh nhận 30 tháng, Lô Văn Hậu và Vi Văn Hải mỗi người 24 tháng.
Trước đó, vào ngày 9/01/2019, 05 đối tượng trên đã thống nhất mỗi người nộp góp 300.000 đồng để mua thức ăn và khi đi, mỗi người cầm một khẩu súng tự chế và dây bẫy động vật để cùng nhau vào Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc địa phận xã Châu Khê, huyện Con Cuông với mục đích săn bắn động vật hoang dã (ĐVHD).
Nhóm thợ săn này cũng thống nhất là nếu săn được thì sẽ làm thịt chia đều cho mỗi người mang về. Sau khi vào rừng dựng lán nghỉ ngơi xong, các đối tượng này bắt đầu đi cài bẫy động vật và săn bắn theo phân công nhiệm vụ. Đến 13h ngày 11/01/2019 thì nhóm của Lô Văn Hằng và Viêng Văn Sinh thấy 02 cá thể Voọc xám, Hằng đã dùng súng bắn chết cả 02 con Voọc xám, rồi cả hai mang về lán.
Đến khoảng 14h30 cùng ngày thì Cán bộ Kiểm lâm VQG Pù Mát và nhóm bảo vệ rừng (Anti-poaching) vào kiểm tra lán săn của các đối tượng trên, phát hiện và thu giữ 02 con Voọc xám đã chết, 05 khẩu súng kíp và 05 con dao nhọn, dây bẫy săn động vật, chân và xương của 1 con lợn rừng sấy khô cùng 1 con lợn rừng còn sống.
Trong số tang vật thu được có 02 con Voọc xám (có tên khoa học là Trachypithecus crepusculus) là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong nghị định 160/2013/NĐ-CP và có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP (nay đã được thay thế bằng Nghị định 06/2019/NĐ-CP).
Căn cứ vào các chứng cứ, xét hành vi vi phạm của nhóm thợ săn trên là có tổ chức, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đẩy các loài động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là loài Voọc xám đến gần hơn nguy cơ bị tuyệt chủng, vì vậy các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên một vụ săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn VQG Pù Mát được đưa ra truy tố kể từ năm 2005 trở lại đây. Đó là sự nỗ lực và cam kết của lãnh đạo VQG Pù Mát, cũng như các cán bộ Kiểm lâm và bảo vệ rừng trong việc ngăn chặn và nói không với các hành vi săn bắt động vật hoang dã. Đây cũng là thành quả và sự nỗ lực của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công An huyện Con Cuông, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An, Toà án nhân dân huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An, trong việc điều tra thu thập chứng cứ và xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Được biết, các đối tượng đều được mời tham gia hội thảo tuyên tuyền pháp luật bảo vệ động vật hoang dã do VQG Pù Mát và Trung tâm SVW tổ chức tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương vào cùng thời gian, nhưng cả năm đối tượng này đều đã không đến tham dự mà đi vào rừng để săn bắn động vật theo kế hoạch.
“Tất cả các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng, săn bắn động vật hoang dã trong địa phận VQG Pù Mát sẽ bị cấm tuyệt đối. Cán bộ Kiểm lâm và Nhóm Bảo vệ rừng chuyên trách (Anti-poaching) sẽ tăng cường tuần tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Chúng tôi muốn một lần nữa cảnh báo tới tất cả bà con người dân hãy dừng ngay các hành vi săn bắt, sử dụng, buôn bán động vật hoang dã trước khi quá muộn. Từ cuối năm 2018, VQG Pù Mát đã tổ chức 12 hội thảo tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng trên toàn bộ các xã vùng đệm và tôi mong đây là bài học để chúng ta thay đổi”, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nhấn mạnh.
Bản án này là một bài học đắt giá cho những ai coi thường pháp luật, hoặc có ý định vào rừng khai thác tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã. Hy vọng vụ việc sẽ tác động và làm thay đổi hành vi của cộng đồng, khiến họ chấp nhận các giải pháp sinh kế thay đổi cuộc sống không còn phụ thuộc vào rừng nhằm góp phần bảo vệ VQG Pù Mát.
Vườn Quốc gia Pù Mát được chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng chính phủ. Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, với tổng diện tích rừng đặc dụng: 94.715,4 ha và tổng diện tích vùng đệm: 86.000 ha. Vườn quốc gia Pù Mát có có tầm quan trọng đa dạng sinh học và là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn. |
Hậu Thạch