EU đề xuất lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng

BVR&MT – Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét một đề xuất mới đầy tham vọng nhằm điều chỉnh việc nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến mất rừng toàn cầu.

Đề xuất được đưa ra từ giữa tháng 11/2021 và sẽ tập trung vào các ngành có một số hồ sơ theo dõi môi trường nghiêm trọng nhất bao gồm đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao và cà phê, thuộc da, sô cô la và đồ nội thất.

Nếu được thông qua, Luật sẽ buộc các nhà sản xuất phải chứng minh sản phẩm của họ không góp phần phá rừng dù là hợp pháp hay bất hợp pháp. Điều này cũng có nghĩa là các nhà cung cấp phải nâng cao tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm xuất khẩu hoặc có nguy cơ bị mất thị trường gồm 27 quốc gia và 450 triệu dân.

Về phía mình, các nhà nhập khẩu cũng phải đáp ứng các biện pháp truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như chia sẻ tọa độ địa lý nơi sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, Luật cũng thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn để xác định quốc gia nào có nguy cơ mất rừng cao nhất và cam kết 1 tỷ euro để giúp quốc gia đó phát triển các chương trình quản lý rừng bền vững hơn.

EU dự đoán đề xuất mới sẽ cắt giảm ít nhất 31,9 triệu tấn khí thải carbon hàng năm và tiết kiệm khoảng 3,2 tỷ euro.

Một khu vực rừng nhiệt đới Colombia bị chặt phá. (Ảnh: Rhett Butler)

“Chúng ta phải bảo vệ đa dạng sinh học và chống lại biến đổi khí hậu không chỉ ở EU mà trên toàn cầu và việc tiêu thụ của chúng ta không được góp phần vào nạn phá rừng toàn cầu, nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính”, Virginijus Sinkevičius, Ủy viên EU về môi trường, đại dương và nghề cá nhấn mạnh.

Từ năm 1990 đến năm 2020, ước tính khoảng 420 triệu cây đã bị mất vì nạn phá rừng trên toàn thế giới, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong đó nông nghiệp “đóng góp” gần 90%, đặc biệt là ngành chăn nuôi gia súc.

Cũng trên toàn cầu, châu Âu là nhà nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng, theo báo cáo của WWF năm 2021. Trong những năm gần đây, thương mại sang khu vực này đã lấy đi khoảng 16% diện tích rừng của thế giới.

Ủy ban Châu Âu cho biết đề xuất ngăn phá rừng nằm trong gói các sáng kiến ​​môi trường được công bố gần đây bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn đối với chất thải và buôn lậu chất thải cũng như cải thiện các biện pháp bảo vệ đất để tăng lưu trữ carbon trong các khu vực nông nghiệp, chống sa mạc hóa và khôi phục đất bạc màu.

“Nếu chúng ta mong đợi các chính sách về khí hậu và môi trường đầy tham vọng hơn từ các đối tác, chúng ta nên ngừng xuất khẩu ô nhiễm và tự mình hỗ trợ nạn phá rừng. Với những đề xuất này, chúng tôi nhận trách nhiệm của mình và tiến hành cuộc đàm phán bằng cách giảm tác động toàn cầu đối với ô nhiễm và mất đa dạng sinh học”, Sinkevičius cho biết.

Các quốc gia khác bước ra từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow, Scotland đã dần công bố kế hoạch tương tự để làm sạch chuỗi cung ứng. Tháng 11/2021, Vương quốc Anh đã thông qua luật cấm các sản phẩm liên quan đến phá rừng bất hợp pháp. Tháng 10/2021, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đề xuất dự luật buộc các nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc mất rừng. Tuy nhiên, không giống như đề xuất của châu Âu, cả hai biện pháp này đều không nhằm vào các động cơ phá rừng hợp pháp.

“Châu Âu cuối cùng cũng tiến tới thực hiện các bước chống lại nạn phá rừng mà họ vốn thúc đẩy, và họ đang làm điều đó không phải bằng cách đặt gánh nặng lên người tiêu dùng mà là các công ty lớn sản xuất các sản phẩm này. Nếu chúng ta muốn thay đổi, chúng ta cần phải điều chỉnh các ngành công nghiệp gây ra nạn phá rừng”, Nico Muzi, giám đốc châu Âu thuộc nhóm vận động môi trường Mighty Earth chia sẻ.

Khá hài lòng với đề xuất mới của EU nhưng một số nhóm môi trường cũng chỉ ra thiếu sót một số biện pháp bảo vệ các hệ sinh thái giàu carbon khác, ví dụ, nội dung đề xuất sẽ loại trừ việc bảo vệ nhiều savan, đất ngập nước và đất than bùn. Ngoài việc lưu trữ một lượng lớn carbon, các hệ sinh thái này còn ngăn chặn xói mòn đất và lũ lụt, đồng thời giúp cung cấp nước sạch.

Ngoài ra, đề xuất cũng không bao gồm các biện pháp bảo vệ đặc biệt dành cho các cộng đồng bản địa, những cộng đồng thường đóng vai trò là người quản lý môi trường. Thay vào đó, nó dựa vào luật pháp địa phương của các nước xuất khẩu dù các cơ chế này thường yếu hoặc bị phớt lờ.

Mai Lan (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ