Dùng rùa biển để dự báo thời tiết

BVR&MT – Các nhà khoa học từ Cơ quan Khoa học và Công nghệ biển-đất Nhật Bản và Đại học Tokyo đã dùng rùa biển như là phương pháp mới để cải thiện độ chính xác của việc đo nhiệt độ nước biển và dự đoán sự thay đổi nhiệt độ đại dương. Hai công việc này có vai trò quan trọng trong việc dự báo thời tiết.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thả 5 con rùa được gắn thiết bị trên lưng xuống biển Arafura của Indonesia trong 3 tháng. Từ dữ liệu chúng thu thập được, các nhà khoa học đã dự đoán chính xác sự thay đổi nhiệt độ nước biển ở khu vực giữa Australia và New Guinea, cao hơn 0,4 độ C. Dự đoán này sau đó cho thấy gần sát với sự thay đổi nhiệt độ trên thực tế.

Thông thường, người ta dùng vệ tinh và các thiết bị được đưa xuống độ sâu 2.000 mét dưới đại dương để đo nhiệt độ nước biển. Tuy nhiên, phương pháp này không dự đoán được chính xác sự thay đổi nhiệt độ bởi các thiết bị dưới nước thường không hoạt động được ở vùng nước nông.

Đối với khu vực lạnh giá ở Nam Cực, các nhà khoa học Nhật Bản quyết định thay thế rùa bằng hải cẩu để mang thiết bị đo nhiệt độ. “Nếu có thể chọn một loài động vật di cư ở mỗi vùng biển để làm nhiệm vụ này, chúng ta sẽ có thể tạo ra một mạng lưới quan sát bao phủ các đại dương trên toàn cầu”, Giáo sư Katsufumi Sato, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.