BVR&MT – Vào mỗi dịp đầu năm mới, Hội An thường là điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn ở tỉnh Quảng Nam bởi những nét đẹp cổ kính, xưa cũ mang đầy sự thi vị. Hội An như một bức tranh đa sắc, đa tình với nhiều phong cảnh đẹp mà mỗi lần đến đây, bạn như được nhìn thấy, khám phá thêm những điều mới lạ.
Đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid -19 tại đô thị cổ Hội An và tỉnh Quảng Nam được khống chế, khách du lịch đã có xu hướng trở lại để tham quan, du lịch tại Hội An. Bởi, nơi đây có rất nhiều di tích, thắng cảnh và những điểm tham quan du lịch mang giá trị văn hóa và lịch sử cao như: chùa Cầu, các hội quán người Hoa kiều được xây dựng đẹp mắt theo kiến trúc của người Trung Quốc những thế kỷ trước, các ngôi nhà cổ với hệ thống cột, kèo được làm bằng gỗ được xây dựng từ nhiều thập kỷ về trước, các loại hình du lịch sinh thái như du lịch nghỉ dưỡng ở các vùng nông thôn ven Hội An, đi thuyền du lịch ngắm cảnh sông nước trên sông Hội An… được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Chùa Cầu nằm trên con đường Trần Phú – Bạch Đằng (Hội An) là một điểm du lịch nổi bật và độc đáo mà nhiều du khách muốn tìm đến để khám phá và tìm hiểu khi đến phố cổ Hội An.
Theo tài liệu để lại, Chùa Cầu được xây dựng hơn 400 năm về trước là một ngôi chùa bắc qua dòng kênh chùa Cầu. Chùa Cầu được người Nhật xây dựng và còn có tên gọi là Lai Viễn kiều. Trải qua 4 lần trùng tu di tích, những vật liệu dùng để xây dựng chùa cầu như: cột gỗ, mái ngói, kèo gỗ… dần được thay thế; nhưng chùa Cầu vẫn được giữ nguyên dáng dấp của một kiến trúc xưa cổ với những nét độc đáo trong hình dáng thiết kế và xây dựng. Với vị trí bắc qua con kênh chùa Cầu chảy thẳng ra sông Hội An, chùa Cầu như được tôn vinh lên bởi sự độc lạ của nó.
Du lịch bằng thuyền (ghe) trên dòng sông Hoài cũng là sự lựa chọn của nhiều du khách khi muốn khám phá cảnh sắc hai bên dòng sông ở Hội An. Chỉ với giá 100.000 đồng thuê một chiếc ghe nhỏ với chừng 4-5 người là họ có thể ngồi trên một chiếc thuyền được trang trí đẹp mắt với nhiều chiếc đèn lồng, chong chóng gió đầy màu sắc rực rỡ và dạo ngắm cảnh sắc Hội An đoạn từ vị trí gần chùa Cầu ra đến cồn Hến (bãi bắp) ngày xưa, sát gần công viên sân khấu Ký ức Hội An thuộc công viên Ấn tượng Hội An (xã Cẩm Nam) rồi sau đó quay trở lại vị trí ban đầu sát gần con kênh chùa Cầu trong khoảng 30 phút. Bên chiếc thuyền xuôi dòng nước trong vắt, với những luồng gió mát thổi lên từ lòng sông Hội An, du khách được ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của thành phố Hội An nhìn từ giữa dòng sông Hoài.
Các hội quán của người Trung Quốc được xây dựng từ những năm về trước khi người Trung Quốc đến buôn bán và mua đất định cư ở Hội An. Đây là nơi những người Trung Quốc thường tụ hội trong những dịp lễ quan trọng trong năm cũng là một điểm du lịch đặc biệt, hấp dẫn mà du khách khi đến Hội An thường tìm đến khám phá. Từ những nét độc đáo trong thiết kế chùa, đình của người Trung hoa, những bức tranh tường đúc bằng xi măng được chạm khắc và pha màu, vẽ họa tiết cực đẹp; hệ thống trụ cột của hội quán được chạm khắc hình dáng những con rồng uốn quanh thân cột tạo vẻ cầu kỳ và đẹp mắt. Những chiếc cửa được làm bằng gỗ được vẽ họa tiết trang trí đẹp mắt tạo ấn tượng với du khách khi đặt chân vào bên trong khu vực chính đặt các ban, bệ thờ của hội quán.
Trong những ngày đầu năm, Hội quán Quảng Đông ở trên con đường Trần Phú trở thành một điểm đến mang tính văn hóa và tâm linh đối với người dân phố cổ và khách du lịch. Ở đây ngoài các ban thờ các vị thần, tướng, đức ông Quan Thánh đế quân, đức bà Thiên hậu Thánh mẫu, Thần Tài Công… Các mô hình lớn như ngựa, thuyền… cũng được tại khuôn viên trong khu vực làm thờ cúng các vị quan, vị thần theo phong tín ngưỡng của người Trung Hoa. Không gian của hội quán như trở nên ấm cúng và trang nghiêm với rất những cây hương khổ lớn được uốn cong theo hình chóp nón với chiều dài hàng mét được treo từng trần nhà thả lửng và được thắp cháy đỏ trong những ngày đầu xuân. Những nét kiến trúc đặc trưng, tinh tế và ấn tượng của người Trung Quốc được thể hiện đậm nét ở khuôn viên hội quán Quảng Đông. Bởi vậy nơi đây thường có nhiều du khách ghé đến tham quan hàng ngày và trong dịp Tết Hội quán có thêm nhiều hơn du khách ghé đến tham quan, thắp hương và xin thẻ xăm đầu năm.
Vẻ đẹp của đô thị cổ Hội An không chỉ nằm ở những quần thể di tích độc đáo cổ xưa, những đình chùa, hội quán, miếu mạo.. là di sản văn hóa phi thể của nhân loại; Mà còn nằm ở những cảnh quan mộc mạc, dân giả nơi góc phố nhỏ với những hàng chè bắp ngọt ngào khiến du khách sau khi dạo quanh phố Hội tham quan ngắm cảnh có thể dừng chân bên hàng quán nơi góc phố cổ, dưới tán cây xanh mà nhấm nháp một ly chè thơm, một chiếc bánh tráng nướng thơm lừng, đượm tình hương vị phố cổ Hội An.
Hồng Sơn