Du lịch sinh thái xây dựng sự bền vững cho các khu bảo tồn

BVR&MT – Du lịch sinh thái có tiềm năng để xây dựng sự bền vững cho các khu bảo tồn, tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, với 14,7 triệu ha rừng, đây là nơi sinh sống của hơn 10.000 loài động thực vật, trong đó có những loại quý hiếm. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tọa đàm chủ đề “Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học”, nhằm thảo luận giải pháp bảo vệ, bảo tồn hiệu quả vốn rừng hiện có và tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng rừng, trong đó phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học.

Phát triển du lịch sinh thái tại Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và phát triển du lịch sinh thái đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cũng có tác động đến môi trường. Chính vì vậy để du lịch sinh thái phát triển bền vững cần có tài nguyên sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, nếu chỉ tập trung vào tự nhiên thì nhiều nơi có nét tương đồng hoặc đẹp hơn.

Cùng quan điểm này, ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết với tỷ lệ che phủ rừng 42,2%, Việt Nam đảm bảo sự an toàn, an ninh về môi trường. Đến nay, đã có 167 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 vườn quốc gia, 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 54 khu bảo tồn cảnh quan và các khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Phát huy lợi thế và tiềm năng của đất lâm nghiệp nói chung và rừng nói riêng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Trên thực tế, với những cơ chế chính sách hiện có đã có nhiều vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái đã tạo sinh kế cho người dân ở địa phương, đặc biệt là những người dân sinh sống ở “vùng đệm” qua đó cải thiện đời sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Ông Triệu Văn Lực: Phát triển du lịch sinh thái là xu hướng tất yếu trong bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Triệu Văn Lực cho biết: “Chúng ta không chỉ giữ và bảo vệ rừng mà còn phải phát huy vai trò và lợi ích từ việc bảo tồn đa dạng sinh học để phục vụ đời sống xã hội của con người. Với tiềm năng, lợi thế và cơ chế chính sách đang tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ về bảo tồn đa dạng sinh học và gắn với du lịch sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, kinh tế xanh điều này càng thiết thực với bảo tồn, bảo vệ phát triển nguồn tài nguyên rừng vô cùng quý giá, là xu hướng tất yếu và chúng ta cần phải có trách nhiệm”.

Trong giai đoạn 2021-2026, hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ với Ban quản lý dự án lâm nghiệp làm chủ dự án với sự tham gia của các đối tác được thực hiện tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng, và 3 vườn quốc gia là Cúc Phương, Bạch Mã và Cát Tiên đã mang lại nhiều kết quả đối với cộng đồng ở địa phương trong việc chung tay bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tọa đàm Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Cam kết tiếp tục đồng hành trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và phát triển du lịch sinh thái nói riêng, ông John Harris, Phó phòng môi trường, biến đổi khí hậu của USAID tại Việt Nam cho rằng, với hơn 160 khu rừng đặc dụng rừng và rừng phòng hộ trải khắp từ Bắc vào Nam, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái chính là “bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa chính là bảo vệ tương lai của chúng ta”.

“Du lịch sinh thái có tiềm năng để xây dựng sự bền vững cho các khu bảo tồn, tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Trong giai đoạn sắp tới phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam rất quan trọng. Không những phải đảm bảo những lợi ích của du lịch sinh thái sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, mà còn phải đảm bảo rằng những nơi có vườn quốc gia, những nơi phát triển du lịch sinh thái và những đơn vị ở khu bảo tồn đó luôn được phát triển bền vững”, ông John Harris cho biết.