Du khách Trung Quốc vẫn lùng mua sản phẩm ngà voi

BVR&MT – Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ ngà voi tại Trung Quốc có xu hướng giảm sau lệnh cấm được ban hành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, một số công dân Trung Quốc đại lục vẫn muốn đến các thị trường khác để mua ngà thông qua con đường du lịch.

Nhằm khảo sát nhóm đối tượng này, từ năm 2017 – 2019, WWF phối hợp GlobeScan tiến hành phỏng vấn hơn 3.000 du khách Trung Quốc từng đi du lịch tại Campuchia, Hong Kong, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả cho thấy 1/10 số du khách đã lên kế hoạch mua các sản phẩm làm từ ngà voi trước khi đi du lịch và có gần 1/4 số khách từng đến ít nhất một cửa hàng bán sản phẩm ngà voi.

Các chuyên gia cho rằng anh cung cấp đồ cổ là ngà voi cho Trung Quốc. (Ảnh: Wu Hong/EPA)

Mặc dù việc mua sản phẩm từ động vật hoang dã khi ở nước ngoài không phải là động lực du lịch chính của hầu hết du khách nhưng cứ 10 du khách thì có một người cho biết họ dự định mua ngà voi, sừng tê giác trong chuyến đi của mình. Trong số này, những người dự định đến thăm Thái Lan, Nhật Bản và Đặc khu hành chính Hồng Kông chiếm số lượng cao nhất. Du khách đến Việt Nam thuộc nhóm có ý định mua ngà voi, sừng tê giác ít nhất. Trong số các du khách đến Việt Nam có kế hoạch mua ngà voi, phần lớn họ được người quen giới thiệu. Một số khác hỏi bạn bè của họ, những người đã từng mua các sản phẩm này để tham khảo.

Cũng theo Báo cáo “Đằng sau lệnh cấm ngà voi – Nghiên cứu về du khách Trung Quốc tại Việt Nam”, hầu hết khách du lịch đến Việt Nam (85%) biết rằng vận chuyển ngà voi qua biên giới là vi phạm pháp luật nhưng vẫn có 8% cho biết họ đang được tư vấn về các phương thức vận chuyển ngà voi hoặc sừng tê giác vào Trung Quốc. Họ chủ yếu được gợi ý gửi sản phẩm qua đường bưu điện hoặc mang theo những miếng sản phẩm nhỏ để tránh bị phát hiện hoặc chịu hậu quả pháp lý. Đáng chú ý là vẫn còn một tỷ lệ đáng kể du khách đến Việt Nam (7%) tin rằng việc mang một số loại ngà voi qua biên giới là hợp pháp.

Khi đánh giá tính xác thực của ngà voi, gần một nửa khách du lịch được hỏi nói họ dựa vào các giấy xác thực do người bán cung cấp để xác định sản phẩm này có phải đồ thật hay không. Hơn 30% các sản phẩm sau khi mua sẽ được người bán gửi về địa chỉ của người mua tại Trung Quốc theo đường bưu điện, 22% theo đường bộ hoặc máy bay và 11% bằng đường thủy.

WWF cho rằng những phát hiện từ nghiên cứu là cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng các chiến lược giảm cầu ngà voi và các loài hoang dã trong ngành du lịch nói chung và du lịch định hướng khách Trung Quốc nói riêng. Báo cáo cũng đề xuất các hoạt động nhằm giảm cầu ngà voi và sừng tê giác như tập trung giải quyết việc vận chuyển bất hợp pháp ngà voi qua biên giới; phát hiện, xử lý các kênh quảng cáo gián tiếp như các nền tảng du lịch trực tuyến; tiếp tục tập trung các hoạt động vào các dịp Tết âm lịch và tuần lễ Vàng của Trung Quốc.

PV