Dự đoán tình trạng mất rừng ở các khu bảo tồn bằng cách nào?

BVR&MT – Để dự đoán nguy cơ mất rừng trong một khu bảo tồn, hãy xem xét tình trạng của các khu rừng xung quanh nó.

Các khu rừng được bảo vệ, chẳng hạn như trong các vườn quốc gia khó có thể bị chặt hạ khi được bao quanh bởi những khu rừng nguyên vẹn. Ngược lại, khi các vùng đất lân cận của chúng bị suy thoái, có khả năng nạn phá rừng sẽ xâm phạm vào khu vực được bảo vệ. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Current Biology.

Dựa trên kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh về các khu rừng được bảo vệ trên toàn thế giới từ năm 2000 đến 2018, đồng thời sử dụng Google Earth để phân tích mối quan hệ giữa tình trạng mất rừng trong các khu bảo tồn và trong các khu vực kéo dài 5 km từ ranh giới của chúng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng mức độ che phủ rừng xung quanh khu bảo tồn là một yếu tố dự báo hiệu quả về tình trạng mất rừng trong tương lai.

Nghiên cứu được lấy cảm hứng từ chuyến thăm của tác giả Buřivalová đến Vườn quốc gia Masoala ở Madagascar 10 năm trước. Hình ảnh: Zuzana Buřivalová.

Khi hơn 90% diện tích đất xung quanh khu bảo tồn vẫn là rừng thì khả năng ít xảy ra hoặc không có nạn phá rừng. Nhưng khi độ che phủ rừng ở các khu vực liền kề giảm xuống dưới 20% thì khu vực được bảo vệ đó có khả năng bắt đầu mất độ che phủ với tốc độ tương đương các khu rừng xung quanh như thể nó không còn được bảo vệ nữa.

“Chúng tôi muốn tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra với các khu rừng trong các khu bảo tồn khi ngày càng ít rừng xung quanh chúng – khi vùng đệm của chúng ít rậm rạp hơn và giống như một bức tranh ghép giữa rừng và cánh đồng vậy. Dựa vào tỷ lệ che phủ rừng xung quanh vườn quốc gia, giờ đây chúng tôi có thể dự đoán và nói “Được rồi, bạn nên cẩn thận ngay bây giờ” hoặc “Bạn chưa cần phải lo lắng”, Zuzana Buřivalová, tác giả chính nghiên cứu, giáo sư về sinh thái rừng và động vật hoang dã tại Đại học Wisconsin-Madison cho biết.

Buřivalová nhấn mạnh kết quả nghiên cứu không nên được hiểu là xác định “mục tiêu” mà đúng hơn là “đo nhiệt độ” các khu bảo tồn: “Tôi có thể sẽ lo lắng nếu ai đó nói họ có vùng rừng đệm 5 km quanh khu bảo tồn và mọi thứ sẽ ổn bởi nếu như vậy thì họ có thể không quan tâm về những gì xảy ra sau 5 km và nghĩ rằng được rồi, chúng ta có thể bắt đầu phá rừng xa hơn một chút so với khu bảo tồn”.

Thay vào đó, Buřivalová cho biết các cơ quan quản lý vườn quốc gia nên sử dụng kết quả nghiên cứu để xác định các khu rừng được bảo vệ có nguy cơ bị đe dọa ở quốc gia họ và ưu tiên những khu vực này để bảo tồn. Mô hình dự đoán mức độ dễ bị tổn thương của các khu bảo tồn do phá rừng dựa trên độ che phủ rừng xung quanh được sử dụng hoàn toàn miễn phí và có thể chạy trên các nền tảng công khai như Google Earth.

“Bạn thậm chí không cần phải có bất kỳ khả năng tính toán nào, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng mã của chúng tôi và tất cả các phân tích sẽ do Google thực hiện”, Buřivalová cho biết.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chứng minh cách tiếp cận này trên quy mô rộng hơn so với bài báo, họ sử dụng mô hình dự đoán tình trạng mất rừng ở các khu bảo tồn trên toàn thế giới đến năm 2036, đồng thời cảnh báo các vườn quốc gia có nguy cơ mất rừng cao hơn gồm Ankarafantsika và Kirindy Mitea ở Madagascar, Virunga và Bassin de la Lufira ở lưu vực Congo.

Những cư dân sống ở làng Ambanizana gần Vườn quốc gia Masoala ở Madagascar 10 năm trước. Hình ảnh: Zuzana Buřivalová.

Mặc dù rừng ở các vùng khác nhau có xu hướng bị chặt phá hoặc suy thoái vì những lý do khác nhau, tuy nhiên, các mối đe dọa từ khai thác gỗ quy mô lớn và công nghiệp hóa nông nghiệp đến canh tác tự cung tự cấp và thậm chí cháy rừng, mất rừng ở khu vực xung quanh luôn là dấu hiệu cảnh báo sớm về nạn phá rừng trong tương lai trong các khu bảo tồn. Đơn cử, trong trường hợp công nghiệp hóa nông nghiệp, các đồn điền xung quanh khu bảo tồn có thể dẫn đến phá rừng theo hai cách: rừng bị phá trực tiếp khi các công ty xâm lấn đất rừng hoặc bị phá gián tiếp khi các công ty chiếm đất và đẩy người dân địa phương lấn vào các khu bảo tồn để canh tác.

Các nhà khoa học và các nhà quy hoạch rừng cần tính đến các nhu cầu sau này của người dân địa phương ngay cả khi họ ưu tiên các nỗ lực bảo tồn. “Tôi khuyến khích mọi người sử dụng kết quả nghiên cứu với sự cộng tác và đồng thuận với cộng đồng địa phương hơn là dùng chúng để chống lại họ”, Buřivalová nói.

Buřivalová cho biết cô được truyền cảm hứng để thực hiện nghiên cứu từ cách đây 10 năm, trong một chuyến đi đến Madagascar để tham quan các khu bảo tồn mới được thành lập. “Tôi đã nói chuyện với những người sống gần đó, họ nói rằng họ được đặt [định cư] trong vùng đệm khu bảo tồn này và nó nhỏ hơn nhiều so với những gì họ tính cho nhu cầu nông nghiệp của mình”. Người dân lo lắng nếu hết đất canh tác, họ buộc phải lấn vào các khu vực được bảo vệ.

“Là một nhà khoa học bảo tồn, rõ ràng tôi muốn mọi người bảo vệ rừng nhưng tôi thực sự lo lắng cho những cư dân bản địa này”.

Thảo Linh (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ