BVR&MT – Ngày 23/6, WCS Thái Lan công bố những thước phim thu được từ bẫy ảnh cho thấy sự xuất hiện của nhiều loài động vật hoang dã châu Á như hổ, voi, gấu chó… khi chúng ghé thăm một hố nước nhỏ ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng.
Những hình ảnh được ghi lại trong hơn một tháng cho thấy tất cả mọi thứ từ một cá thể hổ cùng 3 con của nó và một cá thể gấu ngựa ướt sũng cho đến những động vật nguy cấp ít được biết đến hơn như bò banteng đều dừng lại ở hố nước tự nhiên có kích thước bằng một cái bể sục. Camera cũng thu được hình cảnh của các động vật hoang dã khác bao gồm voi châu Á, nai, mang, lợn rừng, khỉ đuôi dài, cầy móc cua, diều hoa Miến Điện, giẻ cùi và gà rừng.
Những tư liệu này là kết quả của nhiều năm nỗ lực phối hợp bảo vệ Khu phức hợp rừng phía tây rộng lớn giữa WCS và chính phủ Thái Lan. Đây là vùng rừng lớn nhất còn lại ở Đông Nam Á với diện tích khoảng 18.000 km2, bao gồm 17 khu bảo tồn liền sát nhau (11 vườn quốc gia và 6 khu bảo tồn động vật hoang dã).
Nỗ lực bảo tồn khiến động vật hoang dã đang quay trở lại. Hổ đã xuất hiện ở Huai Kha Khaeng sau nỗ lực dài hạn để giảm nạn săn trộm, số lượng hổ tăng lên đáng kể tỷ lệ thuận với việc tuần rừng tăng. Ngoài ra, những cá thể hổ phân tán ra khỏi Huai Kha Khaeng đang tạo nền tảng cho quần thể phục hồi trên toàn bộ Khu phức hợp, thậm chí còn vượt qua biên giới vào vùng Taninthayi ở Myanmar.
Khu phức hợp rừng phía tây là một phần của vùng sông Mê Kông – một trong 14 khu vực quan trọng nhất thế giới mà WCS cam kết bảo vệ. Các khu này khá nguyên vẹn, đa dạng sinh học cao, có khả năng chống chịu tốt nhất với biến đổi khí hậu, là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã cỡ lớn và mang tính biểu tượng cho vùng địa lý sinh sống của chúng.
Thế Anh (Theo WCS)