Đồng Văn (Hà Giang): Đa dạng phương thức hỗ trợ giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã triển khai hiệu quả các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Huyện Đồng Văn (Hà Giang) có 17 xã, 2 thị trấn, 216 thôn bản, 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 17 nghìn hộ. Trong đó, hộ nghèo chiếm trên 10 nghìn hộ, chiếm 61,12 %; hộ cận nghèo là 2.338 hộ, chiếm 18,83 %. Số hộ thoát nghèo năm 2022 là 1.036 hộ, đạt 6,2%; số hộ nghèo phát sinh là 186 hộ và không có hộ nào tái nghèo.

Năm 2023, huyện Đồng Văn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%.

Những năm trở lại đây, từ các chủ trương, chính sách, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, kiên cố hơn, người dân từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Năm 2023, huyện Đồng Văn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%. Để thực hiện mục tiêu này, huyện lồng ghép linh hoạt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Xây dựng, ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các ban, ngành đoàn thể, các xã tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo. Từ đó, có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên của các hộ nghèo. Các địa phương tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho các hộ nghèo. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn để người dân lựa chọn thị trường mới phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Không ngừng cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo…

Huyện cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, hướng đến phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững và nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội. Đến nay, du lịch từng bước mang lại nguồn thu ổn định cho người dân các xã, thị trấn trên địa bàn.