Đồng Trúc (Thạch Thất – Hà Nội): Dự án nuôi trồng thủy sản bị biến tướng, chính quyền có chây ì xử lý?

BVR&MT – Được phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản nhưng công trình tại khu Gò Bông (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) xây dựng sai nhiều hạng mục so với quy hoạch. Tuy nhiên chính quyền xã Đồng Trúc chỉ phát hiện hoạt động xây dựng tại khu trang trại ở Gò Bông khi “việc đã rồi”, sau đó tiếp tục loay hoay trong xử lý sai phạm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau” tại khu Gò Bông, xã Đồng Trúc được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt và ban hành Quyết định số 16360/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 cho hộ gia đình ông Kiều Văn Chúc. Dự án có tổng diện tích là 13.473,4m2 (có bản vẽ quy hoạch mặt bằng và thuyết minh dự án kèm theo). Quy hoạch sử dụng đất như sau: Diện tích công trình hỗ trợ sản xuất là 28m2; Diện tích công trình phục vụ sản xuất 850m2; Khu ươm mầm và trồng nấm sò trắng 1500m2; Ao nuôi trồng thủy sản 3.100m2; Diện tích trồng cây ăn quả 3.495,4m2; Diện tích trồng cây hàng năm khác 4.100m2; Diện tích sân, đường đi bộ 400m2.

Cấp phép là vậy, tuy nhiên những gì phóng viên ghi nhận tại dự án này lại hoàn toàn trái ngược, việc chủ đầu tư ngang nhiên cho xây dựng nhiều hạng mục không nằm trong quy hoạch đang biến dự án thành khu sinh thái hoành tráng.

Xử phạt cho có lệ?

Để thông tin được khách quan đa chiều, vừa qua phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Đồng Trúc và nhận được thông tin phản hồi từ phía địa phương này. Theo đó, ngày 18/10/2021 UBND xã Đồng Trúc nhận được văn bản của Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường về việc tìm hiểu thông tin viết bài liên quan đến “Dự án nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau” tại địa bàn xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất – Hà Nội. Với các nội dung trên UBND xã thông tin cụ thể như sau:

Văn bản số 175/UBND của UBND xã Đồng Trúc phản hồi thông tin liên hệ làm việc của Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường.

“Thực hiện quyết định 04/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất về việc tăng cường quản lý đất đai trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. UBND xã đã thành lập tổ công tác xử lý nhanh thường xuyên kiểm tra công tác vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã. Vì vậy trong thời gian qua trên địa bàn xã không có trường hợp nào vị phạm còn tồn tại khi được phát hiện.

Tuy nhiên trong thời gian qua đã kiểm tra phát hiện 01 trường hợp vi phạm xây dựng trong mô hình sản xuất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Đình Anh tại xứ đồng Gò Bông xã Đồng Trúc, vi phạm xây dựng không đúng với sơ đồ quy hoạch đã được UBND huyện phê duyệt là do. Đây là dự án chuyển đổi mô hình trong sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện quyết định cho ông Kiều Văn Chúc năm 2004 (ông Chúc có hộ khẩu tại xã Đồng Trúc). Đến năm 2016 được UBND huyện Thạch Thất gia hạn, sau khi được gia hạn, ông Kiều Văn Chúc đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đình Anh (ông Đình Anh có hộ khẩu tại xã Phùng Xá, Thạch Thất). Khi ông Đình Anh triển khai thực hiện dự án năm 2020, tổ kiểm tra của xã cho rằng đây là dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nên được phép xây dựng một số hạng mục như trong quyết định nên đã không giám sát chặt chẽ.

Đến khi kiểm tra thì phát hiện ông Đình Anh đã xây dựng các hạng mục không đúng như trong sơ đồ và quyết định phê duyệt. UBND xã Đồng Trúc đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đình Anh 4.000.000đ (Bốn triệu đồng) đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Đình Anh tự thu dọn phần công trình vi phạm xong trước ngày 30/7/2021.

Ngày 16/7/2021, UBND xã đã báo cáo sự việc, báo cáo số: 87/BC-UBND đến phòng kinh tế và UBND huyện Thạch Thất về nội dung vi phạm và các bước đã xử lý đối với ông Nguyễn Đình Anh.

Nhưng do dich covid và thực hiện chỉ thị 17 của của chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và công điện 18;19 và chỉ thị 20 về giãn cách xã hội, ông Nguyễn Đình Anh không thực hiện được việc tháo dỡ xong trước 30/7/2021. Đến ngày 04/10/2021, UBND xã Đồng Trúc tiếp tục ra thông báo số: 97/TB-UBND yêu cầu ông Nguyễn Đình Anh phải thực hiện tháo dỡ phần phần công trình vi phạm xong trước ngày 15/10/2021 và báo cáo số: 98/BC-UBND ngày 11/10/2021 về công tác quản lý và thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong dự án của hộ ông Kiều Văn Chúc tại xã Đồng Trúc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất về việc xử lý vi phạm tại mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Đồng Trúc. Ngày 15/10/2021 UBND xã đã làm việc với hộ gia đình ông Nguyễn Đình Anh hộ xin tự tháo dỡ, nhưng do dịch covid 19 và do ảnh hưởng cơn bão số 7 và 8 thời tiết mưa nhiều nên hộ chưa tháo dỡ được hộ xin gia hạn thời gian hết tháng 10/2021 hộ tháo dỡ xong phần vi phạm không đúng quy hoạch được phê duyệt. UBND xã đã cho hộ cam kết tháo dỡ trong tháng 10/2021 phải xong các hạng mục vi phạm. Nếu hộ không tháo dỡ UBND xã báo cáo UBND huyện để xây dựng kế hoạch cưỡng chế trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu”.

Liên quan đến sai phạm nêu trên, được biết Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất đã đến kiểm tra hiện trạng. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện vị trí đào ao không đúng so với vị trí được phê duyệt; Không được xây kè bờ nhưng trên thực tế chủ đầu tư đã kè bờ. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng một nhà ngói cao hơn so với chiều cao cho phép khoảng 50cm; Một nhà trông coi thì chủ đầu tư đã cải tạo lại ngôi nhà cũ diện tích khoảng hơn 200m2”.

Về phía chính quyền sở tại, theo văn bản số 175/UBND của UBND xã Đồng Trúc phản hồi thông tin liên hệ làm việc của Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, mặc dù công trình cải tạo, xây dựng tại khu Gò Bông được tiến hành rầm rộ, quy mô song mãi đến tháng 6/2021, UBND xã Đồng Trúc mới nắm được sự việc và tiến hành kiểm tra.

Cùng với đó, ngày 29/6/2021, UBND xã Đồng Trúc đã mời ông Nguyễn Đình Anh đến làm việc. Tại buổi làm việc, UBND xã Đồng Trúc yêu cầu ông Nguyễn Đình Anh tự tháo dỡ các công trình vi phạm để trả lại nguyên hiện trạng đất của dự án đã được phê duyệt theo Quyết định số 16360/QĐ-UBND. Thời hạn tự tháo dỡ từ ngày 29/6/2021 đến hết ngày 30/7/2021. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các hạng mục vi phạm tại dự án vẫn chưa được khắc phục, các hạng mục đang được gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Phải chăng chính quyền xã Đồng Trúc chỉ xử phạt cho có lệ?

Bao giờ xử lý dứt điểm vi phạm?

Dự án nuôi trồng thủy sản bị biến tướng ở Thạch Thất, Hà Nội khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có tình trạng bao che khi một công trình lớn như vậy tồn tại suốt thời gian dài mà chính quyền sở tại không kiên quyết xử lý?

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường xung quanh việc xây dựng sai phép tại dự án trang trại thủy sản tại khu Gò Bông, Đồng Trúc, Thạch Thất dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất của huyện Thạch Thất rất đúng đắn, dựa trên thực tế quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương, đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội.

Khảo sát vào đầu tháng 10/2021, hàng loạt hạng mục tại dự án vẫn chưa được tháo dỡ dù thời hạn xử lý đến hết ngày 30/7/2021.

Tuy nhiên, liên quan đến việc biến tướng, sử dụng đất sai mục đích, luật sư Thành Chung cho rằng, theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã như cảnh cáo, phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mấu chốt ở đây vẫn là người thực hiện các hành vi vi phạm đã cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương cần tiến hành cưỡng chế, thậm chí có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án.

Hậu Thạch