BVR&MT – Mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” phù hợp với đặc điểm, tính chất của người nông dân đất Sen hồng, nên đồng thuận hưởng ứng đạt những kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình này xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của Ban Thường trực uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh Đồng Tháp, triển khai phát động năm 2020, với mục đích góp phần nâng cao năng lực nông dân trong sản xuất và tham gia quản trị xã hội, thực hiện vai trò tự chủ, tự quản trong sản xuất và đời sống tại cộng đồng; Động viên và định hướng nông dân liên kết, hợp tác, chăm chỉ trong tổ chức sản xuất và đời sống, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhận thức của nông dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; Tạo động lực và cơ hội thúc đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu; Xây dựng cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các mô hình kinh tế tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; Thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên lĩnh vực nông nghiệp – nông dân và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Khởi đầu thực hiện thí điểm tại 5 huyện trong tỉnh, mỗi địa phương chọn thí điểm tại một xã. Theo đó, huyện Châu Thành thí điểm trên lĩnh vực cây nhãn; Huyện Lấp Vò thí điểm trên lĩnh vực cây hoa màu; Huyện Lai Vung thí điểm trên lĩnh vực cây có múi; Huyện Cao Lãnh thí điểm trên lĩnh vực cây xoài và cây mít; Huyện Tháp Mười thí điểm trên lĩnh vực cây lúa, cây ăn quả mít. Mặc dù không là đơn vị được chọn thí điểm, nhưng để hưởng ứng việc phát động thi đua phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp của Tỉnh, thành phố Cao Lãnh (chọn xã Tân Thuận Tây) và huyện Tân Hồng (chọn xã An Phước) triển khai thực hiện theo kế hoạch của Tỉnh.
Qua 03 năm triển khai thực hiện mô hình, đã đạt được những kết quả rất khả quan: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về ý nghĩa, mục tiêu của mô hình; Từng bước thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; Được tham quan học tập các mô hình hay, cách làm mới; Được hỗ trợ thông tin về khoa học kỹ thuật, phổ biến kiến thức trong việc áp dụng hoàn thiện chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bền vững, có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, bảo đảm sức khỏe và nâng cao thu nhập; Được ưu tiên hướng dẫn, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án, đề án triển khai tại địa phương; Tính chất mô hình phù hợp với nhu cầu của Nhân dân nên đã tạo sự đồng thuận cao.
Bước đầu đã hình thành cho người nông dân hiểu được nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị chứ không phải đơn giá trị, chú trọng đến tính tiện ích của hàng hoá, sản phẩm, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nhận thức được thị trường đã chuyển từ nhu cầu “ăn cho no” sang “ăn cho ngon”, “ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”. Từ đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội, phải sản xuất sạch, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; Theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng. Điển hình như mô hình trồng nhãn ở huyện Châu Thành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tổng diện tích nhãn của Hợp tác xã (HTX) được chứng nhận VietGAP là 113,39ha/120ha; 19,5ha GlobalGAP và 122,95ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, HTX được Viện thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng thực thẩm định “Thực phẩm sạch – An toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”.
Hiện tại, HTX liên kết với doanh nghiệp đầu ra cung ứng hàng cho xuất khẩu với số lượng khoảng 18 tấn/tuần…; Minh Tâm Hội quán, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh có 100% thành viên tham gia sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện “Sổ nhật ký canh tác” tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, để tiêu thụ xoài dễ dàng và hiệu quả. Hiện tại, Minh Tâm Hội quán đang thực hiện mô hình “Sản xuất xoài theo hướng công nghệ cao” với diện tích 10ha; trên địa bàn huyện Cao Lãnh, xã Tân Hội Trung có 95 hộ, xã Gáo Giồng 50 đăng ký sản xuất lúa theo mô hình VietGap, 150 hộ nuôi cá Diêu Hồng tại xã Bình Thạnh,… Huyện Lai Vung có 62/73 hộ thành viên, đạt 84,9% được tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình canh tác, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm, các chất bảo quản; Mở 22 lớp tập huấn, hội thảo, trao đổi về sản xuất hàng hoá nông sản đảm bảo an toàn; Vận động 20 hộ đăng ký thực hiện đề án khôi phục 500ha quýt hồng của huyện; Phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện điểm mô hình khắc phục bệnh trên cây có múi…
Hiện có 58 Hội quán tại các địa phương tham gia thực hiện thí điểm mô hình, thông qua sinh hoạt Hội quán đã từng bước làm cho người dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, thu hút nhiều hộ gia đình tự nguyện tham gia vào các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất do địa phương phát động. Huyện Tháp Mười có 113 hộ gia đình, đạt 100% (tăng 12 hộ);Huyện Lai Vung có 73 hộ tham gia với tổng diện tích là 38,24 ha trồng cây có múi, trong đó có trên 18,32 ha trồng quýt hồng; Huyện Lấp Vò có 82 hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình; Huyện Cao Lãnh có 340 hộ đăng ký tham liên kết cây lúa được 492 ha, cây xoài 207 hộ/122,1 ha; Huyện Châu Thành có 06 Tổ liên kết sản xuất nhãn, ổi, mít với có 175 thành viên; Huyện Lai Vung có 73 hộ tham gia với tổng diện tích là 38,24 ha trồng cây có múi, trong đó có trên 18,32 ha trồng quýt hồng; Huyện Lấp Vò có 82 hộ gia đình…
Nổi bật, tham gia mô hình, người nông dân tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, được các ngành chuyên môn tập huấn trang bị kiến thức về thực phẩm không an toàn do nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổn hại sức khoẻ của chính người sản xuất, sức khoẻ người tiêu dùng. Đồng thời làm mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên, tác động đến đa dạng sinh học. Điển hình như trên địa bàn huyện Tháp Mười, xã Mỹ Đông thực hiện mô hình xây hố chứa chung để thu gom bao, vỏ, chai, lọ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, “thu gom rác thải độc hại trên đồng ruộng” về khu tập kết chung ở xã Đốc Binh Kiều, Phú Điền và xã Thạnh Lợi. Đã vận động thu gom được 4.874 kg rác thải nhựa, độc hại trên đồng ruộng, giá bán 5.000/kg, thu lợi từ việc bán rác thải độc hại là 24.370.000 đồng; Huyện Lấp Vò, mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm thu gom 02 lần, mỗi ấp được huyện cấp 30 bể chứa, 30 hủ; Huyện Lai Vung, mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, trồng quýt hồng trong nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu; Huyện Châu Thành với mô hình thùng chứa bao bì, chai, lọ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, với 547 thùng chứa, đã hạn chế sử dụng túi nilon, có 11 Tổ Phụ nữ tham gia,… góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm xây dựng nông thôn mới.
Hiệu ứng mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” xuất phát từ sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, xem đây là động lực và cơ hội thúc đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm làm nòng cốt trong phong trào vận động nông dân phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp”, đã tác động nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn việc phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự nguyện, tự giác tham gia mô hình; Từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; Tham gia vào chuỗi sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới, các chương trình liên kết trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Vừa qua, tại hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu đánh giá cao những kết quả tích cực của mô hình; tên gọi mô hình rất phù hợp với đặc điểm, tính chất của người nông dân đất Sen hồng nên qua phát động được người dân đồng tình hưởng ứng và đạt những kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hướng tới, các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, nhân lực nâng chất mô hình tại địa phương; Rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí thi đua thực hiện; MTTQ phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội và các ngành có liên quan các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân thấy được lợi ích, tích cực tham gia mô hình; Quán triệt quan điểm triển khai lâu dài, chắc bước và bền vững; Tỉnh sẽ triển khai nhân rộng, nâng chất mô hình trở thành Cuộc vận động phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”.
Trần Thắng