Dòng sông nước mắt

BVR&MT – Nhìn từ phía Thái Lan, đối diện với những ngọn đồi được rừng rậm bao phủ bên bờ Lào, dòng sông hùng vĩ chia đôi hai nước khi triều xuống, biểu trưng cho chu trình vĩnh cửu của đời người. Dòng chảy Mê Kông đẹp mà buồn bã, chậm rãi mà vững vàng, mang theo vẻ uy nghi ngàn đời trong dòng nước phẳng lặng.

Nhưng điều đó chỉ còn là ảo ảnh. Mê Kông đang gặp nguy hiểm, cả cá, hoa màu và những người được dòng sông nuôi nấng.

Buổi sáng ở sông Nam Lik – dòng nhánh của Mê Kông tại Lào. (Ảnh: Zhang Jianhua/Xinhua/ZUMA)

“Nhìn ra giữa sông đi”, ngư dân Chaiwat Parakun sống ở làng Ban Muang tại miền bắc Thái Lan chỉ vào những cồn đầy cỏ nhô lên khỏi bề mặt xám nâu. “Lâu nay, cứ vào mùa mưa thì thời điểm này [cuối tháng 10/2020] là những cồn đó sẽ chìm dưới nước. Nhưng không, Mae Nam Kong (sông Mê Kông theo tiếng Thái) hiện thấp hơn mực nước bình thường 3 m”.

Năm 2019, lưu vực hạ Mê Kông (Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam) trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm. Mực nước hồ Tonlé Sap ở Campuchia cũng thấp bất thường vào tháng 8 năm nay do hiện tượng “đảo dòng” hai lần/năm không xảy ra. Chỉ riêng ở Campuchia, vấn đề không hề nhỏ: trung bình người dân nước này tiêu thụ 60% chất đạm là cá đánh bắt từ hồ và các dòng sông chảy vào hồ.

Thủ phạm lớn nhất bị các chuyên gia chỉ mặt đặt tên không phải biến đổi khí hậu mà là Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ này, Trung Quốc xây dựng ngày càng nhiều công trình hạ tầng ở Mê Kông, kể cả 11 đập trên sông Lan Thương (sông Mê Kông ở Trung Quốc) khiến con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng này trở thành “dòng sông hỗn loạn” khi chảy vào Lào.

Sự dao động thất thường của dòng sông dài thứ 3 châu Á (sau Trường Giang và Hoàng Hà) hiện không thể đoán trước khi liên tiếp bị các con đập phá vỡ cân bằng sinh thái. Những công trình hạ tầng khiến phù sa mắc kẹt ở hồ chứa, ngăn chặn các dưỡng chất quý giá xuống hạ nguồn. Năm 2019, người dân ven sông ngỡ ngàng vì nước sông Mê Kông chuyển sang màu trong xanh tức không còn chất dinh dưỡng nữa.

Thảm họa nhãn tiền

Lào làm tình hình trầm trọng hơn. Cuối năm 2019, sự kiện khai trương con đập đầu tiên trên sông Mê Kông ở nước này khiến ngư dân Thái Lan lo lắng.

Ngư dân và cộng đồng tự tổ chức thành các hội đoàn bảo vệ tính toàn vẹn của dòng Mê Kông.

“Chúng tôi đệ trình báo cáo chỉ ra 180 điểm đáng lo ngại về dao động thất thường của dòng sông, sạt lở bờ và nhiều loài cá biến mất nhanh chóng”, nhà hoạt động Chanarong Wongla cho biết. Tuy nhiên, không có nhiều khác biệt trong ứng xử với dòng sông giữa chính phủ của thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-o-cha và chính quyền trước đây.

Ngư dân 65 tuổi Thong-in Rueng Kham mới trở về sau buổi đánh cá, gật đầu chào Wongla khi đi ngang qua, ánh hoàng hôn thắp sáng cả khung cảnh: “Chúng ta đang đi thẳng tới thảm họa. Khi còn trẻ, tôi đi đánh cá với ông và bắt được 50 con mỗi ngày. 10 năm trước, tình hình vẫn ổn nhưng giờ bắt được 10 con là chúng tôi vui rồi. Đôi lúc còn không được con nào”.

Thời kỳ tươi đẹp đã qua. Kham không nhớ được mình bắt được cá tra dầu (Pangasianodon gigas) từ khi nào nữa. Và cần nhớ rằng loài cá đặc hữu này chỉ có ở sông Mê Kông. “Nửa tá các loài đã biến mất [trong số hơn 1000 loài cá Mê Kông thì có tới 700 loài là cá di cư]”.

Tương lai đầy ảm đạm: “Mực nước sông đôi khi thấp đến mức cá không bơi được, cũng không còn chỗ cho chúng đẻ trứng nữa”, ngư dân Chaiwat Parakun ở Ban Muang ngán ngẩm, đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể: “Hàng năm, thời điểm cá về sông đẻ trứng là quan trọng nhất mùa mưa. Từ giờ trở đi, mọi thứ trở nên không thể đoán định được: cá có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn”.

Xây dựng đập Nam Theun 1. (Ảnh: Sinohydro 3/Xinhua/ZUMA)

Một nghiên cứu công bố hồi tháng 4 (do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí) nêu rõ trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm suy thoái dòng sông vốn là hồ chứa nước ngọt lớn nhất hành tinh. Các loài thủy sinh ở lưu vực hạ nguồn là sinh kế cho 66 triệu người thuộc 4 quốc gia, 1/3 là người Thái. Theo báo cáo, các đập của Trung Quốc giữ lại lượng nước rất lớn vào năm 2019 mà không quan tâm đến việc gây ra hạn hán ở hạ nguồn. Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng mình cũng là nạn nhân của hạn hán. Tuy nhiên, tổ chức Eyes on Earth khẳng định “dữ liệu vệ tinh không biết lừa dối, có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng dù những nước như Campuchia và Thái Lan đang hạn hán nặng.

Cơn cuồng xây dựng

Tháng 1/2020, chính phủ Lào công bố một dự án đập mới sẽ được xây dựng ở quận Sanakham – chỉ cách biên giới Thái Lan 2 km. Điện có thể sẽ được Thái Lan mua nhưng khâu xây dựng đập (dự tính bắt đầu vào cuối năm nay) đã tạm dừng vì COVID-19. Công ty thủy điện Datang của Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng con đập, với chi phí hơn 2 tỷ USD.

Bị ám ảnh bởi mục tiêu trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, Lào đang trong cơn cuồng say xây dựng và sẽ bán điện ồ ạt cho các nước láng giềng để đảm bảo đà phát triển tiếp tục.

Tổng cộng có khoảng 50 đập hiện đang được xây dựng ở Lào, bất chấp những ý kiến chỉ trích không mấy liên tục từ Ủy hội sông Mê Kông. Theo cây bút Martin Burdett, Lào “có công suất thủy điện tới 6500 MW mỗi năm và cho đến nay mới chỉ phát triển được 5% tiềm năng này”.

Bên cạnh đó, “hơn 130 đập đang được xem xét ở tất cả các quốc gia hạ du”, theo tổ chức phi lợi nhuận Open Development Mê Kông. Con số này có vẻ quá nhiều, và có thể trong 20 năm nữa, một số dự án sẽ bị hủy bỏ và cơn điên cuồng sẽ giảm.

Về phía Thái Lan, ngày 4/8, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan, kiêm chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông quốc gia thông báo nước này sẽ yêu cầu các cơ quan hữu quan tìm cách giảm thiểu hậu quả môi trường có thể xảy ra từ dự án đập Sanakham ở Lào.

Tầm nhìn hạn hẹp

Paiporn Deetes, người đứng đầu NGO International Rivers tại Thái Lan tỏ ra nghi ngại: “câu hỏi thực sự vẫn chưa được đặt ra là tại sao Thái Lan không cần thêm điện nhưng vẫn muốn tiếp tục xây một vài con đập nhất địnhvà một trong những câu trả lời là điều đó có lợi cho các công ty Thái Lan”.

GS. Santiprop Siriwattanaphaiboom, giảng dạy tại Khoa Khoa học và Môi trường thuộc Đại học Udon Thani ở đông bắc Thái Lan thắc mắc về lý do đằng sau sự “ích kỷ” của người Trung Quốc: “Lưu lượng sông Mê Kông ở Trung Quốc chỉ chiếm 18% tổng lượng dòng sông. Các quốc gia có khối lượng theo mét khối lớn nhất là Thái Lan và Lào. Do đó, chúng tôi là những người quan ngại đầu tiên và có quyền đặt câu hỏi: chính xác thì người Trung Quốc muốn gì? Sử dụng tiềm năng thiên nhiên – trong trường hợp này là thủy điện – để củng cố quyền lực chính trị của họ? Đây có phải là một chiến lược để đảm bảo kiểm soát dòng sông, về giao thông và thương mại, thậm chí cả hạ nguồn?”

Siriwattanaphaiboom cho rằng người dân Thái Lan không nhận được sự giúp đỡ của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha vì “tầm nhìn của ông ấy rất hạn hẹp. Ông ấy không nhìn thấy mối liên hệ giữa hệ sinh thái, cuộc sống của những cư dân ven sông, thiên nhiên và môi trường”.

“Những con đập dựa trên tầm nhìn nền kinh tế nhưng chảy trên nước mắt của người dân”, nhà hoạt động Ormboon Teesana đồng cảm chia sẻ.

Nhật Anh (Theo Le Monde)