Đồng Nai: Tìm giải pháp ‘giữ chân’ nhân viên y tế trong bệnh viện công lập

BVR&MT – Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt khiến hệ thống y tế tại Đồng Nai rơi vào cảnh thiếu hụt nhân lực trầm trọng đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Ngành Y tế địa phương này đang nỗ lực tìm và triển khai giải pháp cụ thể nhằm “giữ chân” nhân viên y tế trong hệ thống bệnh viện công lập.

Áp lực của các bệnh viện tại Đồng Nai trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: Lê Xuân/TTXVN

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, địa phương có hơn 600 y bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 có 360 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 109 bác sĩ và gần 100 điều dưỡng, còn lại là nhân viên kỹ thuật khác liên quan trực tiếp đến y tế.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng 200 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của bệnh viện nghỉ việc. Nguyên nhân chính khiến lực lượng y tế công nghỉ việc ồ ạt là thu nhập thấp, trong khi áp lực công việc quá lớn.

Theo ông Phạm Văn Dũng, hầu hết bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc có tuổi đời trẻ, thời gian gắn bó với nghề chưa dài (từ 10 năm trở xuống), kinh tế chưa vững vàng. Trong xu thế giá cả, chi phí sinh hoạt không ngừng gia tăng như hiện nay, nếu đồng lương không tăng tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn tiếp tục xảy ra.

Dù chính sách thu hút tốt, y bác sĩ đồng ý về bệnh viện công làm việc nhưng với đồng lương thấp, áp lực công việc lớn… nếu không có chính sách tăng thu nhập sẽ rất khó giữ chân lực lượng y bác sĩ, ông Phạm Văn Dũng nhận định.

Dù có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng vì những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng mới đây bác sĩ H. quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do bác sĩ H. đưa ra là áp lực công việc lớn, thời gian cao điểm dịch COVID-19 phải trực cả tháng trong bệnh viện. Trong khi công việc ở bệnh viện không ổn định, thường xuyên bị phân công công việc không đúng chuyên môn, sở trường khiến bác sĩ H. không phát triển được năng lực chuyên môn.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai cho biết, từ sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, nhân lực ngành Y tế có những biến động rất lớn. Nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc đầu tiên là do áp lực công việc quá lớn, qua thời gian dịch bệnh đã vượt ngưỡng chịu đựng của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, thu nhập của nhân viên y tế bị giảm sút do trong thời gian dịch bệnh và sau dịch bệnh lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh giảm, vì vậy, các bệnh viện không có nguồn thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế đáp ứng công việc nặng nhọc.

Theo ông Lê Quang Trung, để giữ chân nhân viên y tế, ngành Y tế đang tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, thu hút người bệnh. Có như vậy, người bệnh mới tin tưởng vào năng lực của cơ sở y tế, tới khám và điều trị, từ đó bệnh viện có thêm nguồn thu, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.

Thời điểm này là giai đoạn rất khó khăn đối với người lao động vì vừa trải qua thời gian phòng, chống dịch bệnh căng thẳng và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế nên giải pháp trước mắt để giữ chân nhân viên y tế là các cơ sở y tế phải làm sao có cơ chế hỗ trợ về tài chính, thu nhập, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị, thời gian tới, Sở Y tế tập trung hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Trong đó phải đề xuất được giải pháp nhằm giữ chân nhân viên y tế, những người có nhiều đóng góp, nỗ lực vượt qua khó khăn thời gian qua; đồng thời, xem xét lại công năng, nhiệm vụ của các trạm y tế cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ngoài vấn đề lương, thu nhập, cần nghiên cứu giải pháp để giảm tải công việc cho nhân viên y tế.