Ðộng lực mới để Thủ đô phát triển

BVR&MT – Mùa thu Cách mạng 74 năm về trước, ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi. Và mùa thu này, niềm tự hào được nhân lên, là nguồn động lực để mỗi người Hà Nội chung tay xây dựng Thủ đô xứng đáng vị thế và tầm vóc mới.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại.

Phát triển toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân

Tháng 8 mùa thu. Hà Nội đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Thành phố vừa kỷ niệm 20 năm Ngày đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Vì hòa bình, theo tiêu chí của UNESCO, chính là việc chính quyền tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển con người, từ hạ tầng đô thị, đến bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa… Hà Nội cũng như đất nước có khoảng thời gian yên bình để phát triển chưa dài. Thời gian hội nhập quốc tế còn ngắn hơn nữa.

Thế nhưng, những chủ trương, chính sách của Ðảng bộ, chính quyền thành phố luôn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Và 20 năm được công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là dịp để Hà Nội tự hào về những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực.

Ðể có được những kết quả đáng tự hào đó, sau mỗi kỳ Ðại hội Ðảng, mỗi khi Trung ương Ðảng ban hành các nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa một cách sáng tạo trên cơ sở đặc thù. Ðảng bộ Hà Nội luôn xác định rõ và phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, gương mẫu đi đầu trong vận dụng, cụ thể hóa và thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhất là lĩnh vực xây dựng Ðảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp luôn được Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố xác định là nhiệm vụ hàng đầu, theo hướng mở rộng dân chủ, sát cơ sở, chỉ đạo tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả, thực hiện “nói đi đôi với làm”. Trên mỗi lĩnh vực của công tác xây dựng Ðảng, Ðảng bộ thành phố đều xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, kiên quyết với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện tốt cả hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, theo hướng cụ thể, sát thực tế, hiệu quả. Thành ủy đã triển khai nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình với cách làm chủ động, mở rộng đối tượng tham gia lấy ý kiến góp ý cho cán bộ, đảng viên. Các vấn đề nổi cộm được tập trung chỉ đạo giải quyết đã góp phần tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ nền tảng của công tác xây dựng Ðảng, công tác tổ chức cán bộ, các chương trình cụ thể của Ðảng bộ thành phố về xây dựng hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa người Hà Nội… có điều kiện thuận lợi để thực hiện, khi cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi trước, chủ động, sáng tạo trong công việc. Ðể tăng hiệu quả công việc, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, thì cần phát huy dân chủ, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Xuyên suốt các nhiệm kỳ, Thành ủy đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt nhiều kết quả thiết thực, tạo không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Với phương châm, cách làm từng bước, chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, triển khai từ trong Ðảng, trong cán bộ, đảng viên, sau đó mở rộng đến nhân dân, Ðảng bộ thành phố có nhiều kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo.

Hiệu quả từ cách làm đồng bộ, Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh về quy mô tầm vóc, nhưng cơ bản giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời, chất lượng sống của người dân được nâng lên. Những ai yêu mến mảnh đất nghìn năm văn hiến đều không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự đổi thay tích cực của Hà Nội. Những con số như tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích trước hai năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, có thể chưa thể nói hết những thành tựu và những nỗ lực không mệt mỏi của thành phố. Thế nhưng, nếu có dịp về các huyện nghèo nhất như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức… dễ dàng nhận thấy những đổi thay đáng phấn khởi. Những con đường thảm nhựa, bê-tông nối gần những bản làng xa xôi. Những ngôi làng dân tộc thiểu số vốn “nghèo bền vững” nay đã có những ngôi nhà mới khang trang. Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Với 89% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng cách đời sống giữa khu vực nông thôn và đô thị dần được thu hẹp. Thành phố đã đạt mục tiêu cơ bản tất cả số xã, phường, thị trấn được công nhân đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số trạm y tế có bác sĩ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/năm. Sáu tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,416 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thu 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội giữ vững vị trí thứ hai trong tổng số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền tăng 16 bậc.

Hà Nội là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Khẳng định vị thế Thủ đô

Với vị thế là trung tâm của Vùng kinh tế Bắc Bộ, Thành ủy Hà Nội đã tích cực hợp tác với các địa phương trong cả nước theo tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”; tổ chức nhiều đoàn công tác tới các tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đô thị, nông thôn, mở rộng hợp tác, phát triển. Từ các hội nghị, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại – công nghiệp, nông nghiệp – phát triển nông thôn, giao thông – vận tải, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường… giữa Hà Nội và các địa phương đã được ký, triển khai. Hà Nội là một trung tâm kinh tế trọng điểm, cũng là nơi khởi nghiệp, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Năm 2018, thành phố thu hút đầu tư 7,5 tỷ USD, trong đó, cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 – 2018 của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đứng thứ hai cả nước (sau Vùng kinh tế trọng điểm phía nam).

Ngoài ra, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn vị trí thứ tám trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế tăng cao trong hai năm qua và chín tháng đầu năm nay, 3,54 triệu lượt khách quốc tế đã đến Hà Nội (tăng 23,5%). Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đề án tổng kiểm kê đánh giá, phân loại, bảo vệ di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ðến nay, thành phố đã có năm di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nguồn “tài sản” văn hóa này được Hà Nội bảo vệ, phát huy giá trị và là nguồn lực quan trọng để phát triển. Thành phố cũng xác định, khoa học và công nghệ là mũi nhọn, là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, để tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Hướng đầu tư này đã đưa Hà Nội lên vị trí thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông.

Ðồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Hơn nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội không chỉ duy trì vững chắc thế phát triển đi lên, mà bằng tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cán bộ và nhân dân Thủ đô còn khơi nguồn tiềm năng, tạo thế và lực phát triển mới. Hà Nội đã có những đóng góp tiêu biểu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỳ vọng của Người, Ðảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Ðảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tất cả phải hướng tới việc huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

20 năm sau khi được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, tháng 6-2019, Hà Nội nộp hồ sơ lên UNESCO ứng cử danh hiệu “Thành phố sáng tạo”. Tiêu chí công nhận “Thành phố sáng tạo” của UNESCO dựa trên sự sáng tạo những giá trị văn hóa vì sự phát triển bền vững của đô thị. Với bề dày văn hóa của thành phố hơn nghìn năm tuổi, với hệ thống làng nghề đặc sắc và những sáng tạo văn hóa do chính quyền, người dân thực hiện thời gian qua, các chuyên gia đánh giá Hà Nội thực chất đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Kế thừa truyền thống cách mạng, kết hợp với những xu thế của thời đại, Hà Nội định hướng xây dựng thành phố sáng tạo, kết hợp với xây dựng đô thị thông minh. Ðó vừa là động lực để phát triển, vừa tạo dựng những giá trị bền vững cho tương lai.