Đồng bào Rục và cánh đồng vàng nơi đại ngàn Trường Sơn

BVR&MT – Ở nơi đại ngàn Trường Sơn thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có cánh đồng lúa nước Rục Làn rộng chừng trăm ngàn mét vuông, mỗi năm cho hai vụ mùa bội thu.

Chủ nhân của cánh đồng vàng ấy là đồng bào Rục – một tộc người được phát hiện rất muộn trong cộng đồng dân tộc Việt.

Chú thích ảnh
Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng thường xuyên bám ruộng đồng hướng dẫn đồng bào Rục chăm sóc lúa nước. Ảnh: bienphong.com.vn

 

Sáu mươi năm qua kể từ ngày được phát hiện và bước ra từ hang đá, người Rục được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ mọi mặt để phát triển vươn lên, xóa đi mặc cảm đầy khó khăn, âu lo trước vận mệnh bấp bênh “như ngọn đèn trước gió”.

Và hơn hết, người Rục đầy ân tình càng thấu hiểu sâu sắc hơn tấm lòng thơm thảo của những cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng hàng chục năm qua cùng dãi nắng, dầm sương giúp người Rục phát triển, nhất là việc đưa cây lúa nước và cánh đồng vàng Rục Làn đến với họ.

“Trồng lúa nước” là cụm từ nghe rất bình thường với bao người dân khác nhưng thật mới lạ với đồng bào Rục vào thời điểm ấy – anh Cao Xuân Long, sinh năm 1994, Trưởng bản Mồ Ô Ồ Ồ chia sẻ.

Năm 2010, anh Long lúc ấy mới chỉ vừa tròn 16 tuổi, theo bố mẹ ra đồng để các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng cầm tay chỉ việc, truyền nghề trồng lúa. Nhớ lại cái khoảnh khắc ban đầu ấy, anh Long cho biết thật bẽn lẽn bởi cái gì cũng mới lạ, khó khăn, ngay đến việc cầm cái cuốc, cái liềm thế nào cho phải cũng được bộ đội chỉ dạy.

Bây giờ, anh Long đã là chủ gia đình, được nhận ruộng để trồng lúa và làm thuần thục mọi việc. Vụ Đông Xuân vừa qua, với 500 m2 nhưng gia đình anh Long thu hoạch được gần 3 tạ lúa. Vụ Hè Thu này lúa đang làm đòng, hứa hẹn sẽ cho vụ mùa bội thu. Bây giờ không những là nông dân thứ thiệt, anh Long còn được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản.

Ở Thượng Hóa hiện có trên hai trăm hộ đồng bào Rục với gần 750 khẩu thì một nửa trong số đó đã được nhận đất ở cánh đồng Rục Làn để trồng lúa nước. Dù sản lượng thu được hàng năm từ việc trồng lúa chưa nhiều nhưng quan trọng hơn đó là nguồn thu ổn định được làm ra từ chính đôi bàn tay của bà con, giúp họ cải thiện kinh tế và vươn lên trong cuộc sống.

Từ những vụ mùa đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, được Bộ đội Biên phòng cầm tay chỉ việc, lo cho mọi chuyện, đến nay việc trồng lúa nước đã được đồng bào chủ động, quán xuyến khoảng 50% khối lượng công việc. Có nhiều gia đình làm tốt việc đồng áng đáng được khen ngợi như hộ Cao Xuân Tâm, Cao Xuân Điều, Cao Long… thu được trên dưới 1 tấn lúa/năm.

Ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho hay, việc đưa cây lúa nước và cánh đồng Rục Làn về với đồng bào Rục là một “cuộc cách mạng”, giúp đồng bào xóa đi mặc cảm tự ti, ỷ lại, đưa bà con tiếp cận với cách sản xuất mới để vươn lên trong cuộc sống. Có được điều này là nhờ Bộ đội Biên phòng Đồn Cà Xèng đã dành nhiều công sức, tâm huyết để sống cùng dân, giúp dân xây dựng cuộc sống mới.

Thượng tá Trịnh Thanh Bình, trước là Trưởng đồn Biên phòng Cà Xèng, nay là Phó Chỉ huy Trưởng tham mưu Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Dự án xây dựng cánh đồng lúa nước Rục Làn là một quyết định rất “tầm vóc” của Bộ độ Biên phòng Quảng Bình, giúp đồng bào Rục phát triển, tự chủ, vươn lên trong cuộc sống.

Rục Làn ở bản Mồ Ô Ồ Ồ khi ấy là vùng đất hoang hóa, đầy cồn bãi nhấp nhô, cỏ dại mọc um tùm nên để biến nó thành một cánh đồng lúa nước đẹp như tranh là cả một quá trình dài đầy khó khăn và công phu từ việc hình thành ý tưởng, xây dựng đề án và thực hiện thi công. Ngày ấy, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đã phải huy động rất nhiều công sức, tiền của và máy móc hiện đại để biến vùng đất cồn bãi, hoang hóa, đầy cây, cỏ dại Rục Làn thành cánh đồng lúa nước.

Có cánh đồng rồi nhưng với bà con đồng bào Rục, trồng lúa nước là cụm từ quá xa lạ, chưa biết, chưa làm bao giờ nên phải bắt đầu thế nào luôn là câu hỏi khó. Cầm tay chỉ việc, dạy đồng bào làm đất, bón phân, trồng lúa bằng thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” thật sát sao với bà con là công việc thường nhật của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng khi ấy.

Đã qua 8 năm kể từ ngày đầu xây dựng nên cánh đồng Rục Làn, đồng bào Rục đã tự chủ hơn nhưng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng vẫn tận tâm hỗ trợ ở những phần việc khó, yêu cầu kỹ thuật cao để bà con trồng lúa tốt, được mùa, cho năng suất cao…

Thượng tá Trần Đình Tứ – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng vui mừng chia sẻ: Đồng bào Rục rất khó khăn trong cuộc sống với hơn 95% hộ nghèo, trước đây chủ yếu sống dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, việc đưa được cây lúa nước về với bà con, giúp bà con vượt qua khó khăn, vươn lên tự chủ trong cuộc sống là dấu mốc quan trọng trong hành trình đi lên của đồng bào.

Còn với Chủ tịch xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn và người dân nơi đây thì cây lúa nước và cánh đồng Rục Làn đến với bà con người Rục như một câu chuyện cổ tích thần kỳ, giúp người dân vươn lên làm chủ đời mình. Đó là nhờ ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đã quan tâm sâu sắc giúp đỡ đồng bào.

Cách đúng 60 năm, vào một ngày đầu Đông năm 1958, lần đầu tiên Bộ đội Biên phòng phát hiện ở vùng cao Thượng Hóa, lọt thỏm giữa cánh rừng đại ngàn Trường Sơn có một số ít người thoắt ẩn, thoắt hiện nơi các hang đá, rất khó tiếp cận.

Phải mất nhiều thời gian, cuối cùng cán bộ, chiến sỹ Biên phòng mới gặp được họ để vận động họ rời bỏ hang đá, hòa nhập với xã hội hiện đại. Lúc ấy, người Rục chỉ có 34 người, gồm 11 nam, 23 nữ, 4 em nhỏ và 1 già làng.

Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta biết thêm trong cộng đồng dân tộc Việt còn có tộc người Rục trước nay sống cách biệt trong rừng sâu, không giao lưu với xã hội bên ngoài, lấy hang đá làm nhà ở, lấy vỏ cây, lá cây làm quần áo, thức ăn do săn bắt, hái lượm trong rừng mà có được.

Thời gian sau đó, vì rất nhiều lý do khác nhau mà người Rục nhiều lần quay lại nơi rừng hoang, hang đá để sống như thủa sơ khai ban đầu của họ. Vào thời điểm đó, mỗi lần nhắc đến người Rục ai cũng đầy ái ngại, âu lo và thấy bi quan về cuộc sống của một tộc người đang như “ngọn đèn trước gió”, bấp bênh “bên bờ vực thẳm”…

Phải đến cuối thập niên 90, đánh giá tính cấp bách và cần kíp về nguy cơ tiềm ẩn mất đi một tộc người, Đảng và Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, đưa điện lưới quốc gia, xây dựng trường học, trạm y tế về để bảo tồn, phát triển đồng bào Rục.

Tiếp theo đó là các dự án giúp đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn phát triển như 134, 135 cũng về với đồng bào Rục. Đồng bào được cấp nhà để ở, được hỗ trợ giống cây giống, vật nuôi, có trường học để con em được học con chữ, có hệ thống thông tin liên lạc để xem và nghe thông tin tuyên tuyền…

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm của các dự án chỉ mới giúp đồng bào một phần trong khi hướng phát triển, vươn lên tự chủ cuộc sống, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đồng bào Rục vẫn chưa thể tự chủ trong cuộc sống nên vẫn luôn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ. Vì vậy, dự án đưa cây lúa nước và cánh đồng Rục Làn về với bà con người Rục của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình được đánh giá cao, là cách làm bền vững trong việc giúp dân “chiếc cần câu” thay vì giúp “con cá” để họ vươn lên làm chủ sản xuất, tự lo cho cuộc sống của mình.

Theo ông Đinh Thanh Văn, bà con dân tộc Rục và đồng bào vùng cao nhiều khó khăn ở huyện Minh Hóa và các huyện khác rất cần những dự án “động lực” như Dự án cánh đồng Rục Làn.

Chia tay bà con người Rục ở Thượng Hóa trong buổi chiều thu lất phất mưa, đi qua bản Ón, Mồ Ô Ồ Ồ, Yên Hợp, xã Thượng Hóa, chúng tôi thấy thấp thoáng nhiều cần ăng ten vươn cao và tiếng nhạc phát ra từ nhiều ngôi nhà cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã khá lên.

Miên man suy nghĩ về cuộc sống của đồng bào Rục và hành trình 60 năm qua kể từ ngày được phát hiện trong hang đá cho đến hôm nay, có nhiều thành quả bước đầu đầy hy vọng, nhất là việc xây dựng nên cách đồng Rục Làn – cánh đồng vàng giữa đại ngàn Trường Sơn để bà con vươn lên tự chủ cuộc sống của mình, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng.

Chợt thấy sự ví von về chuyện cây lúa nước và cánh đồng vàng Rục Làn giúp đồng bào Rục như là “câu chuyện cổ tích” của Chủ tịch xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn phản ánh chân thực giá trị của hành trình nhiều khó khăn, gian khổ nhưng anh hùng của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Đồn Biên phòng Cà Xèng nói riêng và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình nói chung.