Đồng bào Khmer vượt khó, thoát nghèo

BVR&MT – Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và sự nỗ lực, vươn lên của chính người dân, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh giảm từ 23,12% năm 2015 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2020. Kết quả đó góp phần thiết thực vào phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Ðồng bào Khmer tại huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh TTXVN

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh cho biết, tỉnh có dân số hơn 1,1 triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 32%. Trà Vinh hiện còn 11.789 hộ dân tộc Khmer nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ vốn, tiến bộ khoa học – kỹ thuật để cải thiện kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.

Sức sống mới vùng đặc biệt khó khăn

Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) Nguyễn Thanh Giang cho biết, Nhị Trường là xã đặc biệt khó khăn với 2.876 hộ dân và 9.669 nhân khẩu; trong đó số hộ dân tộc Khmer chiếm hơn 80%. Xã đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước và các dự án lồng ghép khác, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Trước đây, thực hiện Quyết định số 74/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 342 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Hằng năm, UBND xã Nhị Trường phối hợp tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2019, UBND xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Thạch, thu hút 35 thành viên người dân tộc Khmer tham gia, có 50 ha đất canh tác, vốn điều lệ 0,5 tỷ đồng. Giám đốc HTX Thạch Dương cho biết, hằng năm, HTX phối hợp doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu hàng hóa nông sản cho nông dân. Mới đây, HTX phối hợp Công ty cổ phần Giống cây trồng miền nam ký hợp đồng bao tiêu 50 ha ngô giống cho nông dân với mức giá 8.000 đồng/kg. Ðầu vụ, hộ trồng ngô giống được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trung bình 1 ha ngô giống, nông dân lợi nhuận từ 50 – 60 triệu đồng.

Anh Thạch Phước là thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết, khi tham gia HTX, anh thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với 1 ha đất ruộng của gia đình. HTX ký hợp đồng bao tiêu lúa thương phẩm, mức giá cao hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường. Ngoài ra, các thành viên HTX được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác cây lúa, từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân cân đối. Với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, nông dân thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư, dịch hại cây trồng. Bên cạnh việc sản xuất lúa chất lượng cao, anh Phước tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn bò sinh sản của gia đình để tăng thêm thu nhập kinh tế hộ.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, rau màu, cây công nghiệp đã giúp đồng bào Khmer xã Nhị Trường nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt hơn 110 triệu đồng/năm. Trước đó, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 22,3% so với tổng số hộ, đến năm 2020 đã giảm xuống còn 3,7%. Diện mạo nông thôn xã Nhị Trường đang khởi sắc, đồng bào Khmer tích cực góp công, góp sức cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo”

Ðồng bào Khmer thu hoạch ớt chỉ thiên trồng xen canh trên đất lúa. Ảnh: KHỞI MINH

Với hơn 62% dân số là người Khmer, Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer nhất ở Trà Vinh. Phần lớn đời sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc, huyện đã sớm triển khai thực hiện các mô hình, trong đó nổi bật là mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” mang lại kết quả tích cực.

Năm 2016, UBND huyện Trà Cú chỉ đạo thành lập thí điểm mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” trong đồng bào Khmer tại ấp Giồng Lớn A, xã Ðại An, với 30 thành viên, trong đó có 28 hộ nghèo, cận nghèo và hai hộ trung bình. Với khát vọng thoát nghèo, các hộ dân đã tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất qua các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng để vận dụng phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, được xã, huyện hỗ trợ vốn vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để sản xuất, chỉ sau hai năm, các hộ trong tổ đã thoát nghèo, nhiều hộ cận nghèo vươn lên khá. Ðiển hình như hộ Kim Chanh Sathea, có 0,1 ha đất trồng khoai môn, bắp xen canh một vụ lúa. Anh Chanh Sathea được xã hỗ trợ vốn vay mua một con bò nuôi sinh sản. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nên cây trồng và vật nuôi của anh Chanh Sathea phát triển tốt. Hiện gia đình anh có đàn bò sinh sản ba con; thu nhập hằng năm tăng từ 25 – 30 triệu đồng. Hộ anh Tăng Thông, chỉ có 0,2 ha đất canh tác lúa và cây màu ở cánh đồng Giồng Lớn A, cuộc sống gia đình anh trước đây gặp nhiều khó khăn và được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ tích cực tham gia mô hình, cùng với việc Nhà nước đầu tư hạ thế điện phục vụ trồng màu ở cánh đồng Giồng Lớn A, gia đình anh đã thoát nghèo, nuôi được một người con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, mua được xe gắn máy và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu gia đình, chất lượng cuộc sống nâng lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Ðại An (huyện Trà Cú) Kiên Văn Trừ nhấn mạnh, ý nghĩa quan trọng nhất của mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” là giúp đồng bào Khmer nâng cao ý thức để vượt khó thoát nghèo. Khi bà con được tận mắt thấy tấm gương có thật chung quanh mình nhờ được hướng dẫn phương kế làm ăn, chí thú lao động mà cuộc sống khấm khá hơn, họ sẽ có thêm động lực để phấn đấu. Ông cũng cho biết, phát huy kết quả đạt được, từ năm 2018, xã phát triển thêm ba tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer ở các ấp Cây Da, Giồng Ðình và Xà Lôn, đến nay các tổ đều hoạt động rất hiệu quả.

Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình được triển khai ở xã Ðại An, ngay trong năm 2018, UBND huyện Trà Cú đã chỉ đạo nhân rộng ra toàn huyện với 63 tổ, 1.235 hộ thành viên. Kết quả rà soát, hộ nghèo trong tổ giảm rất nhiều, hộ cận nghèo vươn lên mức sống trung bình, khá, tăng so với ngoài tổ. Từ sự chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các ngành, các cấp, sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, đến nay, kinh tế gia đình nhiều hộ Khmer trên địa bàn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, xây dựng được nhà cửa khang trang. “Thời gian qua, Trà Cú là một trong các địa phương đi đầu thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer, đã vận động hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng giúp đỡ bà con vượt khó, thoát nghèo. Mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” là một điểm sáng tác động mạnh mẽ, làm thay da đổi thịt đời sống cơ sở, cần được nhân rộng nhằm góp phần sớm kéo giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo của tỉnh trong thời gian tới”; Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh nhấn mạnh.