BVR&MT – Nhiều năm trở lại đây, tại thung lũng lòng chảo Mường Thanh, tỉnh Điện Biên, vào ngày 7/5, bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn lại rời núi, xuống phố để giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng ngắm sự đổi thay, khởi sắc của phố phường.
Tại “phố núi” Điện Biên Phủ, ngay từ sáng sớm 7/5, từng dòng người thuộc cộng đồng các dân tộc Thái, Kinh, Khơ-mú… sinh sống ở các xã, phường trong khu vực lòng chảo đổ về trung tâm thành phố để vui chơi, hòa cùng nhịp sống sôi động của phố phường.
Đông đảo bà con dân tộc Mông cũng đổ về trung tâm thành phố ngày một đông, trong đó nhiều đoàn người sinh sống tại các huyện Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… cách xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ từ 50 đến 70km. Để kịp có mặt tại thành phố vào buổi sáng, họ đã vượt qua những đồi núi, đèo dốc bằng xe máy.
Vào buổi sáng, mặc dù nắng gắt nhưng đường Võ Nguyên Giáp, trục đường chính của thành phố Điện Biên Phủ, chạy qua các di tích lịch sử tiêu biểu gồm Tượng đài Chiến thắng, Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ… đã thu hút hàng ngàn người dân thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông đổ về. Ai cũng lựa chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc, như muốn tô điểm cho đường phố thêm nhiều sắc màu.
Khu vực Di tích Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (trên đồi D1) giữa trung tâm thành phố là một điểm thu hút đông đảo người dân. Trục đường hành lễ với 320 bậc lên Tượng đài Chiến thắng cũng luôn đông kín người.
Khi được hỏi, nhiều người dân cho biết, sau khi đi thăm các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, thắp hương di tích nghĩa trang A1 để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đi bộ trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để nhìn ngắm phố phường, thì Tượng đài Chiến thắng là sự lựa chọn không thể bỏ qua trong hành trình xuống phố trong ngày 7/5. Đồi D1 có vị trí cao, từ khu vực Tượng đài, có thể nhìn ngắm bao quát được khung cảnh thành phố, cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, nếu may mắn còn được ngắm nhìn cảnh máy bay cất, hạ cánh từ sân bay Mường Thanh. Để lưu lại những khoảnh khắc trong ngày vui, người dân dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim ghi lại quang cảnh thành phố, rồi chia sẻ cho người dân trong bản vì việc bận không xuống phố được.
Anh Lò Văn Thuần (dân tộc Thái) ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhà mình ở cách thành phố gần 20km. Nhiều năm rồi, cứ đến dịp 7/5 là mình ra phố vì đường phố vào dịp này đông người, sôi nổi. Xuống phố ngày này cũng dễ gặp người quen trong bản, để cùng nhau dạo phố, thăm hỏi và chúc nhau sức khỏe, niềm vui, thành công trong cuộc sống.
Bác Giàng A Mừ (dân tộc Mông) ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Mình đưa vợ và con xuống chơi phố cả ngày, chiều tối mới về lại bản. Khung cảnh đường phố đổi thay, khang trang, sạch đẹp. Hôm nay xuống núi còn có nhiều bà con trong bản nữa, ai cũng vui”.
Dịp 7/5 năm nay, để tạo không khí phấn khởi, vui tươi và giúp người dân địa phương có thêm sân chơi, các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian, tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi tung còn, nhảy bao bố, kéo co và biểu diễn ném Pa Pao.
Các hoạt động này có sự tham gia giao lưu của hàng trăm người đến từ các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bản văn hóa trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Các hoạt động này nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển; đồng thời hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.