Ðồng bằng sông Cửu Long có thể gặp hạn mặn lịch sử

BVR&MT – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hôm nay (27/12), các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục rét về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng; khu vực vùng núi Bắc Bộ có nơi dưới 11ºC.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng mở rộng các tuyến đường ống dẫn nước tại nhiều địa phương nhằm ứng phó hạn, mặn.

Từ đêm 29/12 sẽ có một đợt không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc. Ðây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong năm 2020, khiến nhiệt độ khu vực Bắc Bộ nhiều nơi giảm xuống dưới 10oC, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm này sẽ diễn ra vào đêm ngày 30 và 31/12/2020.

* Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, hiện lưu vực sông Mê Công đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 – 2021. Nguồn nước mùa khô năm 2020 – 2021 về vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015-2016 hoặc 2019 – 2020. Vì vậy, mặn hạn ở khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp.

* Tại các tỉnh như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, dự báo năm 2021 là năm mặn hạn cao. Xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1, tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6/2021. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước từ bây giờ khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn để bảo vệ vườn cây trái và giữ nước sinh hoạt.

* Năm 2021, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề ra mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn hồ đập… Ðồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển thủy lợi, nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Xây dựng đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

* Tại Quảng Ngãi, tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Ðắkđrinh cùng với kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Nuôi cá Lăng Nha lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây. Mô hình đang đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng thoát nghèo bền vững. Khi tham gia mô hình, các hộ nuôi được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí (bao gồm con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học) và chỉ đối ứng 30% còn lại.

* Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hiện giá bán tôm hùm thương phẩm tại các vùng nuôi đang ở mức cao, đạt 2,4 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg tôm hùm xanh. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung đang giảm.

* Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 của toàn tỉnh Kiên Giang ước đạt 63.477 tỷ đồng, trong đó thủy sản dẫn đầu, đóng góp 31.647 tỷ đồng. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 836.000 tấn, trong đó riêng sản lượng tôm nuôi nước lợ thu hoạch ước đạt gần 92.500 tấn, tăng 11,75% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa toàn tỉnh cũng đạt hơn 4,5 triệu tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng.

* Sau khi thử nghiệm thành công mô hình “Ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa” trên đồng ruộng của 50 hộ dân/50 ha đất sản xuất lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã khuyến cáo nhân rộng mô hình. Thông qua việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cho lợi nhuận tăng cao hơn 25%/ha so với ruộng ngoài mô hình.