BVR&MT – Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), sự chia sẻ của một bộ phận người dân, đến nay, công tác dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) ở xã Phú Xuân đã chuyển biến theo hướng tích cực. 100% các thắc mắc, kiến nghị của người dân đã được cấp chính quyền giải đáp thấu đáo. Việc DTĐR có thành công hay không, tất cả đều phụ thuộc vào việc họp dân để bầu ra tiểu ban DTĐR thôn, bởi mọi vấn đề về công tác này sẽ do người dân tự quyết định.
Từ những mâu thuẫn nội tại trong dân
Mặc dù đã được các cấp chính quyền huyện Bình Xuyên ra sức tuyên truyền, vận động, đề ra nhiều giải pháp có lợi cho người dân nhưng nhiều hộ dân thôn Can Bi 1, Can Bi 2 vẫn chưa nhận ruộng.
Theo ông Lê Văn Hồng, thôn Can Bi 1, vấn đề cốt lõi xuất phát từ chính mâu thuẫn nội tại trong dân. Do vụ việc kéo dài nên mâu thuẫn giữa người nhận ruộng và không nhận ruộng được đẩy lên cao trào.
Ngay cả những người thân trong gia đình cũng xảy ra mâu thuẫn không đáng có; đối với hàng xóm, láng giềng thì còn nặng nề hơn nữa. Ở thôn Can Bi 1, nhiều người không mặn mà với đồng ruộng, bởi đây có thể chưa phải là nguồn thu nhập chính của họ; nhưng việc bỏ ruộng, không đồng thuận với chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương là điều không nên làm.
Nhận thức rõ điều đó, hằng ngày ông thường đến những hộ không nhận muốn ruộng tích cực tuyên truyền để họ hiểu, cùng chia sẻ với những khó khăn của chính quyền địa phương… Đến nay, cũng đã có nhiều hộ dân trong thôn mong muốn nhận ruộng.
Thực tế, người dân thôn Can Bi 1, Can Bi 2 đã bỏ ruộng, không sản suất 4 vụ liên tiếp vừa qua. Các hộ dân Can Bi 1 do chuyên kinh doanh buôn bán nên lý do họ bỏ ruộng có thể hiểu được, còn tại thôn Can Bi 2, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính. Thời gian qua, do bỏ ruộng quá lâu, đã có hiện tượng người dân phải đi đong gạo ở ngoài, mượn ruộng ở địa phương khác để canh tác.
Ông Nguyễn Đức La, Trưởng thôn Can Bi 2 cho biết: “Hiện nay, cuộc sống của người dân trong thôn đang rất khó khăn. Nhà nào có con em đi làm công nhân hay đi làm thuê ở bên ngoài thì mới có thể cầm cự được trong thời điểm khó khăn này.
Là người đại diện cho tiếng nói của người dân trong thôn, tôi luôn mong muốn các cấp chính quyền có nhiều phương pháp giải tỏa mâu thuẫn, gắn kết tình làng nghĩa xóm, giúp người dân nhận ruộng để ổn định cuộc sống…”
Nhiều khúc mắc được tháo gỡ…
Để người dân thấu hiểu, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân Trần An: Cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở luôn quyết liệt giải quyết những tồn tại, giải đáp mọi kiến nghị chính đáng của người dân. Nhiều kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm để người dân yên tâm nhận ruộng.
Những sai phạm của cán bộ xã thời kỳ trước đã và đang được xử lý; thường trực ban DTĐR huyện, thành viên tiểu ban DTĐR của xã đã bị xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác khác và đã được nêu rõ tại kết luận của Thanh tra tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Xuyên, công khai đến người dân.
Không có chuyện chính quyền giấu người dân về diện tích ruộng (cơ quan chuyên môn của huyện đã tiến hành đo đạc lại, chỉ chênh lệch 0,05 ha). Việc quản lý, sử dụng quỹ đất 2 đã được niêm yết công khai; trong đó có 27 trường hợp có hợp đồng, 3 trường hợp không có hợp đồng.
Kiến nghị của người dân về sửa chữa cống, đường nội đồng đã được thực hiện; việc sữa chữa hệ thống mương lấy nước đang được chính quyền các cấp ra quyết định để đầu tư.
Kiến nghị vớt bèo tây tại hệ thống tưới tiêu, khơi thông dòng chảy, chính quyền xã đã huy động các tổ chức đoàn thể xã và địa phương khác hỗ trợ thực hiện.
Huyện cũng đã thu hồi quyết định xây dựng bãi rác tập trung tại khu vực Hủng Sen; quyết định này đã được thông báo trên loa truyền thanh, niêm yết công khai tại nhà văn hóa của 2 thôn.
Với 6 hợp đồng ký sai trong sử dụng đất, xã đã thanh lý hợp đồng từ 30/6/2020; 7 hộ vi phạm tại khu vực Trũng È đã xử lý được 6 hộ, hiện đang tiếp tục xử lý hộ còn lại; đối với 47 trường hợp vi phạm trong sử dụng đất đai trái mục đích, hiện nay đã xử lý được 22 trường hợp…
Những vấn đề “nóng” liên quan đến đồng ruộng đến nay cơ bản được giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, đối với diện tích đất đã lập dự án, đất được quy hoạch phục vụ giãn dân thì các cấp chính quyền không thể theo nguyện vọng của người dân vì trái với quy định…
Thời gian này, chính quyền xã và các đơn vị chuyên môn của huyện đang tổ chức đo đạc lại tất cả diện tích thực tế lõi ruộng để giảm tối đa diện tích trên đầu sào cho người dân.
Huyện cũng đã thành lập tổ công tác “đặc biệt” gồm các đơn vị: Phòng NN&PTNT, Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế – Hạ tầng luôn thường trực tại địa phương để giải đáp kiến nghị của người dân.
Người dân sẽ tự quyết định vấn đề của mình!
Qua tìm hiểu, hiện nay nhiều hộ dân tại thôn Can Bi 1, Can Bi 2 có mong muốn nhận ruộng để sản xuất, tuy nhiên, vẫn còn một số “lực cản ngầm” nơi đây. Nhiều hộ dân vẫn nghi ngờ chính quyền các cấp đóng vai trò chính trong công tác DTĐR.
Tuy nhiên, thực tế, chính quyền chỉ đóng vai trò là “trọng tài” kiến tạo để các hộ dân tự thỏa thuận với nhau. Chính vì vậy, vấn đề bức thiết hiện nay là phải tổ chức được buổi họp dân, người dân sẽ tự bầu tiểu ban DTĐR của thôn mình, tự bàn bạc rồi đi đến thống nhất giữa người dân với nhau.
Theo dự kiến, xã Phú Xuân sẽ tổ chức buổi họp dân vào ngày 28/11 này. Để đảm bảo công tác phòng, chống Covid – 19, huyện Bình Xuyên đã ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân. Đã có trên 90% người dân trong xã được tiêm mũi 1; số còn lại là người cao tuổi, có bệnh nền nên chưa tiêm.
Thôn Can Bi 2 sẽ họp trước tại trường mầm non của xã để đảm bảo khoảng cách theo quy định. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho buổi họp dân đã sẵn sàng, người dân cần thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề sát sườn của mình.
Đặt nhiều kỳ vọng vào “sự kiện lịch sử” này, ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên cho biết: Dịch Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong thời điểm khó khăn này, hơn lúc nào hết, người dân thôn Can Bi 1, thôn Can Bi 2 cần đoàn kết hơn nữa, xóa tan mâu thuẫn, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, mở rộng tấm lòng vì tình làng, nghĩa xóm động viên gia đình, dòng họ nhận ruộng để sản xuất.
Mọi nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được giải quyết thấu đáo. Khi người dân nhận ruộng, trong quá trình sản xuất nếu gặp khó khăn, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn nữa để người dân sớm ổn định cuộc sống.