Đón Tết trong rừng

BVR&MT – Núi tiếp núi trùng trùng điệp điệp, những cán bộ kiểm lâm vừa hít hà hơi xuân vương trên từng tán lá, vừa tranh thủ tuần tra, bảo vệ rừng. Tết này, cũng như nhiều Tết đã qua, họ đón năm mới bên núi non rừng thẳm.

Cán bộ Chốt Kiểm lâm Mu Măn, xã Sơn Phú (Na Hang) tuần rừng dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.

Năm nay là năm thứ 3 Triệu Văn Lương, cán bộ Đón Tết (Lâm Bình) đón giao thừa trong rừng. 2 năm trước, anh trực ở chốt Hang Khỉ. Không sóng điện thoại, không điện, không nước sinh hoạt, thức ăn, nước phải gùi từ trạm lên chốt để sinh hoạt. Năm nay Lương chuyển về Chốt bảo vệ rừng thôn Biến, mọi thứ thuận lợi hơn.

Lương là người Tày ở Phúc Sơn, thế nên năm nào anh cũng xung phong trực ca 1 để nhường cho những cán bộ dưới xuôi, xa nhà được trực sau. Gọi là xung phong, nhưng chưa năm nào đêm giao thừa Lương không rơi nước mắt khi nghe tiếng pháo hoa đì đùng đâu đó phía ngoài xa. Cũng may giờ công nghệ hiện đại, đêm giao thừa ngồi ở chốt vẫn được nghe tiếng điện thoại chúc mừng từ lãnh đạo ngành, từ vợ con.

Những ngày Tết, anh em kiểm lâm lại càng phải tập trung cao độ, không để xảy ra bất cứ tình huống nào. Trong lúc bà con trong thôn đi chơi Tết, chúc mừng nhau năm mới thuận lợi hanh thông, thì anh em kiểm lâm tranh thủ đi tuần rừng.

Khác với Triệu Văn Lương, năm nay là năm đầu tiên Lương Văn Thánh, cán bộ tuần rừng Chốt bảo vệ rừng Mỏ Nước, xã Năng Khả (Na Hang) đón Tết giữa rừng. Trực từ ngày 29 đến hết ngày mùng 2 Tết, Thánh bảo, lần đầu tiên đón Tết giữa rừng cảm giác rất khác biệt. Bánh chưng được anh em trong chốt gói từ trước Tết, mâm cơm cũng đầy đủ như ở nhà, nhưng không khí thì khác hẳn. Chốt Mỏ Nước không có sóng điện thoại, điện thắp sáng lấy từ năng lượng mặt trời, nên đêm giao thừa này, với Thánh, rất đặc biệt. Ngồi bên bếp lửa, nghe tiếng thời gian trôi qua, ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Nhưng Thánh bảo, năm sau, nếu được phân công trực ca 1, anh vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Cảm giác sáng mùng một tết ở giữa rừng, nhìn cây cối đâm chồi nảy lộc, tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách, tự nhiên quên hết khó khăn vất vả.

Cùng chốt với Lương Văn Thánh, năm nay Ngô Thế Điệp, cán bộ tuần rừng Chốt bảo vệ rừng Mỏ Nước được “ưu tiên” trực ca 2, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 Tết. Chốt bảo vệ rừng Mỏ Nước nằm chon von trên núi, không có đường để xe có thể lên chốt, Điệp và 4 anh em làm việc tại chốt phải đi bộ từ đường quốc lộ 279 mất tầm 45 phút. Chốt Mỏ Nước không có sóng điện thoại, Điệp kể, mỗi lần muốn gọi điện thoại về nhà, anh em phải đi bộ dò sóng. Chập chờn, nhiễu, nhưng chỉ cần được nghe giọng người thân, thì có phải đi bộ 30 phút hay nhiều hơn, anh em cũng đều cố gắng.

Chốt Mỏ Nước sử dụng điện năng lượng mặt trời, mấy ngày Tết, không khí lạnh tăng cường, thời tiết mưa ẩm liên tục, năng lượng mặt trời không đủ để thắp sáng khiến không khí những ngày trực Tết càng buồn hơn. Để vơi cảm giác nhớ nhà, anh em trong kíp trực lại rủ nhau đi tuần tra một vòng các “điểm nóng”. Chỉ cần một thông tin về cháy rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép là lực lượng kiểm lâm đang túc trực tại rừng, kể cả những người được phép về nhà vui tết đều phải tức tốc quay về trạm hợp sức, triển khai công tác.

Chốt Kiểm lâm Mu Măn, xã Sơn Phú (Na Hang) giáp với xã Bắc Kạn. Để đến được với chốt, người đi nhanh cũng phải đi bộ mất 5 tiếng đồng hồ từ trung tâm xã. Dương Văn Tú, công chức kiểm lâm phụ trách chốt và 2 nhân viên tuần rừng Tết này không về nhà. Theo các lối mòn triền núi được hình thành từ lâu đời, tổ tuần tra rảo bước liên tục, hết khoảnh rừng này đến khoảnh rừng khác. Anh Tú cho biết, vì là khu vực giáp ranh, nên việc đề cao cảnh giác càng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không túc trực, tuần tra thường xuyên, nguy cơ đa dạng sinh học trong rừng bị xâm hại là rất lớn.

Anh Trần Văn Hỷ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Phú cho biết, không chỉ ở Mu Măn, tại 5 chốt trên địa bàn, lực lượng kiểm lâm trực xuyên Tết 100%. 16 cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở Trạm Kiểm lâm Sơn Phú chịu trách nhiệm quản lý hơn 12 nghìn ha rừng. Nhiệm vụ bảo vệ rừng ngày thường đã vất vả, ngày Tết anh em lại phải hy sinh nhiều hơn khi không được đón tết trọn vẹn bên gia đình. Thế nhưng, tất cả cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng không có ai thoái thác hay né tránh nhiệm vụ được giao. Bởi vì, tất cả đều ý thức được rằng, đã là cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì nhiệm vụ giữ rừng phải được đặt lên hàng đầu. May mắn là các chốt, đặc biệt là những chốt xa trung tâm đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền và cả người dân địa phương, nên dẫu không được đón Tết cùng gia đình, nỗi nhớ nhà vì thế cũng vơi đi nhiều.