BVR&MT – Bà con Hà Nhì thật thà, chân chất. Tết đến có quý họ mới mời, mời mà không đến là bà con giận. Đến nhà rồi, nhất định phải uống một chén rượu, nhà ai cũng phải đến không bà con sẽ buồn. Thế mới thấy, các chú bộ đội biên phòng không chỉ là khách quý mà còn là người thân không thể thiếu của gia đình bà con Hà Nhì mỗi dịp Tết đến xuân về. Nơi đây, Tết về càng thắm đượm, ấm tình quân dân nơi địa đầu tổ quốc đã góp phần giữ vững an ninh và bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới.
Đóng quân trên địa bàn xã biên giới với điều kiện còn nhiều khó khăn, những cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng đang ngày đêm rèn luyện, vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ vậy, họ còn thực hiện tốt việc hướng dẫn Nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới.
Đồn Biên phòng Ka Lăng được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giáp với Trung Quốc dài gần 30km trên địa bàn 2 xã: Ka Lăng và Tá Bạ, huyện Mương Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là những xã đặc biệt khó khăn, đa số dân cư là đồng bào dân tộc La Hủ và dân tộc Hà Nhì với 19 bản, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn chậm phát triển, chính vì thế việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới và giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của đơn vị.
Để hoàn thành tốt nhiệm, nhất là nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, trong những năm qua Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Ka Lăng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh tại cơ sở; đề cao cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực giáp biên tự giác thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bám sát đặc điểm địa bàn quản lý và thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ, phát huy truyền thống xứng danh bộ đội Cụ Hồ, thực hiện ba cùng với Nhân dân vùng biên, gắn kết chặt chẽ với Nhân dân để xây dựng chủ quyền an ninh biên giới, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở huyện biên giới Mường Tè. các chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng đã nêu cao tinh thần xung kích, sáng tạo, dũng cảm, đi đầu, đơn vị đã phối hợp tốt với các lực lượng: Dân quân, đoàn thành niên, thanh niên, phụ nữ… thường xuyên tổ chức công tác tuần tra biên giới.
Trong 5 năm gần đây, Đồn đã phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra biên giới được 156 lần với gần 1.000 lượt người tham gia (trong đó có 312 lượt dân quân và người dân địa phương); phát quang 150km đường biên giới… Qua tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm Hiệp định biên giới…
Đồn đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển vùng biên giới; các mô hình sản xuất kinh tế mang lại hiệu quả cao tại 19 bản với sự tham gia của hơn 5.000 lượt người. Từ đây nhận thức của đồng bào về chủ quyền, biên giới từng bước được nâng lên. Người dân trên địa bàn đã tích cực lao động sản xuất, tham gia có hiệu quả vào phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia”, góp phần giữ vững an ninh trên địa bàn và bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới
Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đối với mỗi người lính biên phong công tác giúp dân phát triển kinh tế, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng. Đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã (Ka Lăng, Tá Bạ) chỉ đạo và hướng dẫn các hộ gia đình làm chuồng trại và cách chăn nuôi, thực hiện có hiệu quả mô hình được hỗ trợ nhằm giảm nghèo nhanh bền vững từ các nguồn được đầu tư hỗ trợ như: mô hình trồng cây dược liệu (Sa nhân, chè dây, Mắc ca) gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng
Ông Lỳ Nhù Chừ, Chủ tịch UBND xã Tá Bạ, cho biết: “Nhờ công tác tuyên truyền của bộ đội Đồn Ka Lăng mà những hiện tượng di dịch cư tự do, vi phạm quy định của pháp luật trên địa bàn xã đã giảm hẳn. Học theo cán bộ biên phòng, đồng bào đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc tập trung… Đời sống người dân ngày một phát triển đi lên, ”
Ông Pờ Pó Chừ – Chủ tịch UBND xã Ka Lăng khẳng định: “Từ các hoạt động của Đồn Biên phòng Ka Lăng, đặc biệt là việc tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, nhiều hộ gia đình ở Ka Lăng đã học tập và áp dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhân dân địa phương rất phấn khởi và tin tưởng Bộ đội Biên phòng…”
Anh Chu Lù Ki dân tộc Hà Nhì, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng cho biết: Mấy năm nay, được bộ đội biên phòng giúp, đến mùa cấy, mùa gặt đều xuống hỗ trợ cùng làm, vừa làm vừa hướng dẫn mình cách chăm cây lúa nên thóc thu được nhiều hơn. Trước chỉ thu được có 3, 4 bao, giờ mỗi mùa thu được 5, 6 bao, không còn lo đói nữa. Bộ đội cũng giúp bà con mình cách chăm con gà, con lợn không bị ốm, trồng các cây có năng suất cao, tốt lắm.
Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn đã được phát huy trong vận động, động viên người dân phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới. Đồng bào dân tộc La Hủ, Hà Nhì tại 2 xã Ka Lăng và Tá Bạ cũng tích cực, tự giác thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia”.
Xuân đang đến trên khắp lẻo đường quê hương, Tết năm nay của bà con đồng bào dân tộc Hà Nhì, khách mời không thể thiếu chính là những “chú bộ đội” đồn biên phòng Ka Lăng. Có được tình cảm gắn bó cá nước giữa bộ đội với Nhân dân vùng biên là cả một quá trình bộ đội biên phòng đã thực hiện ba cùng với bà con. “Nói được làm được, đã hứa là phải làm – đó chính là điều kiện quyết định để tạo được niềm tin cho bà con. Những việc làm của bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Ka Lăng đã ngày càng thắt chặt mối quan hệ quân dân cá nước, công tác đối ngoại Nhân dân, góp phần bảo vệ biên giới quốc gia, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Nguyễn Long