BVR&MT – Đồn biên phòng đóng quân tại địa bàn nơi có diện tích rừng khoán thì thuộc đối tượng bên nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Điểm b Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 thì đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng là các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương.
Trong khi đó Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước lại không quy định đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng là các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương.
Vậy ban quản lý rừng đặc dụng giao khoán bảo vệ rừng cho đồn biên phòng đóng quân tại địa bàn nơi có diện tích rừng giao khoán có đúng quy định không? Tại sao?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Việc quy định bên nhận khoán là đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn được quy định trong các văn bản hướng dẫn thực hiện kế hoạch, chương trình giai đoạn trước, cụ thể:
Tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 80/2013/TTLT-BTC-BNN ngày 14/6/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, quy định:
“c) Bên nhận khoán là các hộ gia đình, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư thôn hay nhóm hộ dân cư trú hợp pháp trên địa bàn, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn ở khu vực biên giới không có dân cư sinh sống”.
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 21/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, quy định:
“b) Các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương”.
Trên cơ sở kế thừa các quy định từ giai đoạn trước; Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hướng dẫn các nội dung liên quan đến đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng tại tại Điểm b Khoản 3 Điều 7:
“b) Các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương”.
Đối với đồn biên phòng đóng quân tại địa bàn nơi có diện tích rừng khoán thì thuộc đối tượng bên nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hậu Thạch