BVR&MT – Chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái là đòn bẩy quan trọng để giúp người dân trên địa bàn từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập.
Được hỗ trợ 8 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái cùng số tiền có được của gia đình, anh Giàng A Dờ ở bản Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã đầu tư chuồng trại và con giống để nuôi 30 con dê.
Nhờ chăm chỉ học hỏi kỹ thuật chăn nuôi qua các lớp tập huấn và qua nghe đài, báo mà đàn dê của anh được chăm sóc cẩn thận, hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, giúp gia đình tăng thu nhập và có thể làm giàu. Từ hiệu quả bước đầu anh Dờ bàn với vợ phát triển đàn dê lên 100 con trong thời gian tới.
“Một con dê có thể cho gia đình thu nhập từ 400.000 – 500.000 đồng/năm, đã trừ đi chi phí. Người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ vốn là biện pháp để nhân dân xóa đói giảm nghèo” – anh Dờ nói.
Gia đình chị Vũ Minh Thủy ở bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông cũng được hỗ trợ 15 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái để phát triển chăn nuôi, với quy mô 3 lợn nái và 20 con lợn thịt.
Chăm chỉ, chịu khó làm ăn lại được các cấp chính quyền quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn nên năm ngoái gia đình đã xuất bán được trên 3 tấn lợn hơi thu về trên 200 triệu đồng.
Chị Vũ Minh Thủy chia sẻ: “Từ nguồn thu này không những giúp chị thoát nghèo mà còn nuôi các con học đại học, cuộc sống bớt vất vả hơn. Mong muốn tiếp tục giúp đỡ gia đình thêm đồng vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi”.
Thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái và để Nghị quyết đi vào cuộc sống, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn đăng ký các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện, kinh nghiệm sẵn có của từng gia đình. Trên cơ sở đó, các địa phương tổ chức rà soát, lựa chọn, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện bảo đảm công khai, dân chủ và vận động, hướng dẫn người dân tu sửa chuồng trại, mua vật tư, con giống bảo đảm chất lượng.
Đến thời điểm này, huyện Mù Cang Chải đã có 86 hộ đăng ký với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện đạt 73.000 con.
Ông Vàng Bua Tủa, Chủ tịch UBND xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Khi có nguồn vốn, các hộ nghèo được vay vốn, gia đình nào cũng có trâu bò nuôi, đưa các hộ từng bước thoát nghèo. Có những hộ đã tận dụng được vốn vay để mở rộng mô hình chăn nuôi”.
Huyện Mù Cang Chải xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền nội dung, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 69 đến người dân trên địa bàn; đẩy mạnh xây dựng, vận động các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gắn với đặc sản địa phương. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như kiến thức về chăm sóc, phòng dịch, vệ sinh môi trường; tiếp tục vận động các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn mạnh dạn đăng ký các nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị./.