Độc đáo Tết cổ truyền dân tộc Mông

BVR&MT – Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La có nhiều phong tục tập quán phong phú, đặc sắc, trong đó, có Tết cổ truyền diễn ra vào ngày 30/11 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm mùa vụ thu hoạch xong, thời tiết thuận lợi.

Ném pa pao trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trong Tết cổ truyền.

Thạc sỹ Sùng A Khứ, giảng viên Trường Cao đẳng Sơn La, dân tộc Mông sinh ra tại xã Pú Bẩu (Sông Mã), nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mông, chia sẻ: Tết cổ truyền là dịp quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Mông. Ngày Tết, các gia đình phải có đủ các đồ lễ như: lợn, gà, bánh dày, hương, giấy dó. Lợn thường được các gia đình nuôi từ đầu năm. Gà, đặc biệt là gà trống, là vật dâng cúng chính trong các nghi lễ ngày Tết. Bánh dày (tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất) được làm từ gạo nếp nương, dùng để cúng, ăn trong Tết và làm quà biếu. Hương thắp được đồng bào làm từ loại cây rừng có tên là “lộng xeng”. Giấy dó được làm từ cây giang bánh tẻ, dùng để trang trí nhà cửa, dán lên bàn thờ, làm tiền âm phủ đốt trong nghi lễ…

Cũng theo giảng viên Khứ, Tết cổ truyền của đồng bào Mông còn lưu giữ nhiều tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Từ ngày 25 Tết, các gia đình bắt đầu mổ lợn để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua: một phần để dâng cúng, một phần đem sấy treo gác bếp, thịt mỡ ngâm muối làm thực phẩm giữ được lâu, một phần mời anh em họ hàng đến ăn mừng cùng gia đình.

Ngày 30 Tết, lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa được tiến hành. Chủ nhà là nam giới, tay cầm cuốc cào dọn cống rãnh và phía ngoài xung quanh hai bên đầu nhà để đón những điều tốt đẹp cho năm mới. Sau đó, chủ nhà trang trí nhà cửa và làm mới bàn thờ. Họ cắt các mảnh giấy dó hình răng cưa dán vào các cửa, các cột nhà, cột bếp, bồ thóc, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, chuồng ngựa và các dụng cụ sản xuất đã được rửa sạch sẽ với ý niệm đến tết tất cả các vật dụng trong gia đình đều được nghỉ ngơi, ăn Tết.

Cũng vào ngày 30 Tết, thường là buổi chiều tối, đồng bào Mông làm lễ cúng tổ tiên về ăn Tết hay còn gọi là cúng tất niên. Đêm 30 Tết, tại các bản đồng bào Mông có tục đi lấy nước ở nguồn nước đầu bản về cân lên để đoán biết việc làm ăn trong năm mới. Sáng mùng 1, chủ nhà chuẩn bị đồ lễ gồm thịt gà, cơm, canh và bánh dày, cúng mời tổ tiên, ma nhà, rồi cúng thần thổ địa và hồn vía các loại nông sản cùng những động vật nuôi trong nhà về ăn Tết. Nghi thức cúng lễ cuối cùng diễn ra vào chiều ngày mùng 3 Tết, có nhà làm vào sáng mùng 4 hay mùng 5 Tết, đó là lễ hạ mâm bánh dày đặt ở nóc cột chính (cột ma) trong nhà, cúng mời tổ tiên ăn bánh dày và tiễn tổ tiên về cõi âm.

Cuộc sống vật chất ngày càng được nâng lên, đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng cao ở Sơn La cũng rất phong phú. Bởi vậy, trong những ngày Tết cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, như múa khèn, thổi sáo, đàn môi, hát ống, ném pa pao, tu lu, cầu lông gà… các chàng trai, cô gái Mông mặc những bộ quần áo mới đầy màu sắc, đi chơi, giao lưu, trai gái được tự do tìm hiểu nhau, tạo sự gắn kết và thống nhất trong cộng đồng.

Những năm gần đây, nhiều hủ tục lạc hậu trong Tết cổ truyền được bà con dân tộc Mông dần xóa bỏ. Ông Hàng A Say, bản Pa Khen, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, thật thà nói: Tết của người Mông trước đây thường kéo dài gần một tháng, nhưng hiện nay chỉ gói gọn trong khoảng 5 ngày, không tổ chức linh đình, lãng phí. Khi gia đình tổ chức ăn uống thì phụ nữ cũng được bình đẳng, ngồi ăn cùng gia đình chứ không phải ăn riêng như trước.

Tại huyện vùng cao Bắc Yên nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đồng chí Hờ Lao Cang, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Yên, cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện để đồng bào Mông phát triển kinh tế, gìn giữ phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để bà con đón Tết cổ truyền văn minh, tiết kiệm hơn, phù hợp với nếp sống văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, đảm bảo nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa thiêng liêng của đồng bào dân tộc Mông với mong muốn năm mới những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình, bản làng và cộng đồng.