BVR&MT – Để đối phó sự phá hoại của chuột trên các ruộng lúa, bà con sử dụng các vật dụng quen thuộc hằng ngày như lưới bắt cá, mủ bạt nylon, ụ đất… để triển khai nhiều phương thức bẫy chuột hiệu quả.
Chuột là sinh vật gặm nhấm gây hại cho mùa màng, nhất là các diện tích sản xuất sản xuất vụ Thu-Đông tại các khu ô bao trong mùa nước nổi.
Để đối phó với sự phá hoại của chuột, nông dân vùng biên giới huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng các vật dụng quen thuộc hằng ngày như lưới bắt cá, mủ bạt nylon hay ụ đất…, triển khai nhiều phương thức bẫy chuột an toàn và hiệu quả trên khắp các cánh đồng của huyện biên giới.
Vụ 3 này, ông Trần Văn Hùng trú tại thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự canh tác 6ha giống lúa Đài Thơm 8 trong đê bao khép kín 2.600ha.
Theo ông Hùng, đây cũng là đê bao duy nhất được huyện chủ trương đóng cống để sản xuất vụ 3 năm 2020.
Với kinh nghiệm của mình, ông Hùng cho biết, vào những tháng nước nổi, trên các cánh đồng xả lũ, nước dâng cao làm ngập diện tích đồng ruộng, chuột sẽ “di cư” lên sống tập trung và co cụm ở các khu vực gò cao để tìm thức ăn.
Thời điểm này, các diện tích đê bao khép kín bắt tay vào sản xuất vụ 3, các cánh đồng lúa non trở thành nguồn thức ăn “béo bở” cho loài sinh vật này. Bởi vậy, bên cạnh việc chọn giống lúa có sức chống chịu tốt, kháng sâu rầy, nông dân như ông còn phải ý thức được đây là vụ sản xuất khó khăn với nạn chuột cắn phá lúa.
Để ngăn chặn chuột tấn công, ngay từ khi gieo sạ, ông Hùng đã làm sạch cỏ dại, đồng thời đặt hơn 80 cái bẫy đất (dân địa phương gọi là rập nhẹp) trên các bờ lúa.
Ông Hùng hướng dẫn, đây là hình thức bẫy được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, không cần chó săn cũng chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là sử dụng những thanh tre đan thành vỉ hoặc một tấm ván phẳng, phía trên có khối đất nặng hơn 5kg.
Toàn bộ khối lượng này được treo “gá” trên một thanh xà. Phía dưới, nông dân dùng mồi “lúa” và cài sẵn “lẫy” tre (thanh tre mỏng cũng được gắn vào dây treo thanh xà). Khi chuột vào ăn mồi và động vào lẫy, đồng nghĩa với việc kích hoạt khối đất sập xuống làm chết chuột.
Ông Hùng cho biết, mỗi đêm có khoảng 70-80% bẫy hoạt động, bắt được từ 5-6kg chuột.
Ưu thế của loại bẫy là dùng sức nặng để làm chuột chết, không tốn chi phí và thực hiện lâu dài trên cùng một điểm, vì hình thức bẫy này không làm chuột nhát và rất nhạy.
Ngoài cách bắt chuột này, trên các diện tích lúa non bị chuột cắn phá nhiều, nông dân tiến hành sử dụng mủ bạt bằng nylon hoặc lưới bắt cá để bao quanh ruộng, bên trong đặt các bẫy lồng lưới chì và bẫy đất để bắt chuột.
Đây là cách nhằm bắt chuột và ngăn chặn chuột tấn công lúa từ bên ngoài vào.
Toàn bộ diện tích đất canh tác 1,3ha đất lúa Thu-Đông của ông Trần Văn Thạnh tại thị trấn Thường Thới Tiền đã được ông giăng lưới, mủ bạt nylon tạo “hàng rào” chắn chuột.
Ông Thạnh cho biết, nylon được bao quanh ruộng lúa khi bắt đầu xuống giống, chiều cao từ 0,5-0,8m; khoảng 1-2m sẽ cắm thanh tre để nylon đứng vững tạo thành “hàng rào” cách mép lúa từ 10-20cm.
Dưới chân “hàng rào,” bà con có thể chôn xuống đất hoặc dùng cây ép xuống đất để chuột không thể chui vào. Bên trong “hàng rào” khoảng 50-100m lại bố trí bẫy lồng dùng mồi nhử là khoai lang, khoai mì,… để bẫy bắt chuột.
Với cách này, giúp nông dân giảm chi phí cấy dặm, giống gieo sạ do chuột cắn phá.
Độc đáo hơn, anh Phạm Văn Tốt cùng nhiều bà con khác còn dùng cái bẫy chuột nhưng không cần mồi nhử vẫn tóm được bọn chuột mỗi đêm.
Bằng kinh nghiệm của mình, anh Tốt nói, qua tìm hiểu tập tính loài chuột cho thấy đây là loài vật rất khôn nên khi dùng bẫy không có mồi nhử là nó không vào. Tuy nhiên, chúng lại có thói quen di chuyển theo đường mòn để tìm thức ăn.
Dựa vào đặc tính này, cứ cách miệng hang khoảng 10m, anh Tốt lại đặt cái bẫy không. Mặc dù “không tốn một xu” tiền mồi nhưng tỷ lệ bẫy “nhảy” cũng rất cao, mỗi đêm thu về từ 4-5kg chuột.
Theo anh Tốt, đây là những cách làm đơn giản nhưng hiệu quả cao, đặc biệt an toàn cho người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường.