BVR&MT – Theo thời gian, hoa văn sáp ong đã khiến những bộ váy áo của các cô gái Dao Tiền ở vùng núi biên giới Cao Bằng càng rực rỡ hơn, tô thêm sắc màu cho xóm nhỏ, làm giàu thêm các giá trị văn hoá nơi đây.
Hoa văn sáp ong của người Dao Tiền
Được lưu truyền qua nhiều đời, đồng bào Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng luôn gìn giữ một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc mình là nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong gắn với việc bảo tồn thiên nhiên.
Cách trung tâm thị trấn Nguyên Bình 20km, xóm nhỏ Hoài Khao chỉ có 35 hộ dân với 169 khẩu nằm biệt lập trong một thung lũng, được bao bọc bởi những ngọn núi nhấp nhô phủ màu xanh mướt. Tất cả các hộ dân nơi đây đều là người dân tộc Dao Tiền. Và điều khiến bất cứ ai đến với xóm nhỏ này không thể nào quên là những bộ trang phục, váy áo được trang trí đẹp mắt bằng các hoạ tiết hoa văn vẽ bằng sáp ong.
Chỉ từ những nguyên vật liệu đơn giản như sáp ong, ống tre, trúc, vải trắng… qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người phụ nữ Dao Tiền, các tấm vải đã được trang trí đẹp đẽ với nét hoa văn, biểu tượng độc đáo.
Đây là bí kíp mà những người phụ nữ Dao Tiền đã truyền dạy cho nhau từ đời này qua đời khác.
Chị Bàn Thị Liên – Tổ trưởng tổ thêu in hoa văn sáp ong của xóm cho biết, cần phải có sọt đựng tro, lò đun, đĩa sắt để đun nóng sáp ong; các khuôn tre, trúc để tạo hình các hoa văn trên vải… Và trước hết phải là hành trình khá cầu kỳ để có được những miếng sáp ong vàng óng.
“Sáp ong được bảo tồn, bởi vì người Dao Tiền từ xưa khi biết an cư lạc nghiệp, làm ra các bộ trang phục này đã sử dụng sáp ong để in ra những chiếc váy để phụ nữ Dao Tiền mặc. Những hang ong này được người dân bảo vệ, hằng năm cứ đến mùa thu ong là người dân phải đi cầu cúng, mỗi người góp gà, góp giấy để thu hoạch sáp ong; đến mùa thu phải mời thầy mo đi cầu. Cứ mùa Thu là ong di chuyển đi, mùa Xuân ong lại về làm tổ”, chị Liên cho biết.
Theo chị Liên, cứ mỗi kg sáp ong có thể in hoa văn cho từ 8-10 chiếc váy. Quy trình để làm được 1 sản phẩm hoa văn in bằng sáp ong khá cầu kỳ, từ mài vải thật nhẵn và bóng, chia tấm vải thành nhiều ô, cột. Sau đó, sáp ong được đun đến độ nóng để tan chảy vừa đủ để có thể vẽ hoa văn bằng sáp ong thật sắc nét.
Sau khi hoàn tất, vải sẽ được nhuộm chàm từ 20-30 ngày cho đến khi đạt màu sắc. Có nghĩa, để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất tới hơn 1 tháng. Trong đó, có lẽ khâu thể hiện sự khéo kéo, tinh tế nhất của phụ nữ Dao Tiền là việc vẽ các hoạ tiết độc đáo trên vải bằng sáp ong.
“Biểu tượng, hoa văn như đồng tiền là đặc trưng của người Dao Tiền. Còn các hoa văn khác như hình đồi núi, vì người Dao Tiền sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Đặc biệt, quần áo giặt giũ không phai vì đã in sáp ong thì không bao giờ phai màu”, chị Liên nói.
Lan tỏa nghệ thuật tới du khách
Từ những tấm vải in hoa văn sáp ong vốn chỉ phục vụ may trang phục, đến nay, để đa dạng hoá sản phẩm cũng như lan toả nghệ thuật này đến với du khách nhiều hơn nữa, phụ nữ Dao Tiền xóm Hoài Khao đang tìm tòi các sản phẩm đa dạng, gần gũi hơn như khăn, túi…
Chị Liên cho biết thêm, các sản phẩm mẫu hoa văn đã được đem đi giới thiệu ở nhiều nơi, như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội hay “Ngày hội non nước Cao Bằng” tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam… Đây cũng chính là nỗ lực không chỉ của chị em Dao Tiền xóm Hoài Khao mà của cả chính quyền địa phương trong việc gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hoá của các dân tộc.
Ông Hoàng Quốc Chấn – Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, trung bình, mỗi homestay tại điểm du lịch cộng đồng có thể đón khoảng 10 khách lưu trú, với sản phẩm du lịch độc đáo nhất là trải nghiệm in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Để thương hiệu hoa văn sáp ong của người Dao Tiền và làng du lịch cộng đồng Hoài Khao lan toả hơn nữa đến du khách trong nước và quốc tế.
“Về định hướng trong tương lai là để bà con tạo ra các sản phẩm đồ lưu niệm như khăn, gối… để du khách trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm do chính bà con Dao Tiền tạo ra. Thời gian qua, chúng tôi phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình và các cơ quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng mở các lớp dạy dệt vải, thêu, in hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Dao Tiền cho các chị em trong xóm và các xóm lân cận để gìn giữ, bảo tồn và tạo ra các sản phẩm thủ công”, ông Chấn cho biết.
Nắm bắt nhu cầu của địa phương, bà Tô Thị Trang – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng chia sẻ, tỉnh đã có chiến lược hỗ trợ và đầu tư dài hơi, bài bản cho thương hiệu Hoài Khao: “Đối với Hoài Khao chủ yếu là người dân tộc Dao Tiền sinh sống, ở đó vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống của dân tộc Dao Tiền. Thời gian qua, Sở VHTTDL đã chỉ đạo, hướng dẫn cho địa phương từ cấp huyện, xã đến cấp xóm thực hiện việc tu bổ, chỉnh tranh các hộ gia đình, tập huấn đón tiếp khách du lịch, bảo tồn các giá trị văn hoá vốn có. Chúng tôi cũng định hướng Hoài Khao xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, ví dụ trải nghiệm các hoạt động văn hoá truyền thống của người Dao Tiền, xây dựng các địa điểm check in, tham quan, mua bán những sản phẩm địa phương”.
Hiện nay, lượng du khách đến với Hoài Khao tương đối tốt và đang dần tăng lên mỗi năm, với chất lượng dịch vụ đã được nâng cao. Cũng có nghĩa, đời sống bà con đang dần được cải thiện, nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong cũng có điều kiện được gìn giữ tốt hơn.
Giống như những nét hoa văn sắc nét không bao giờ phai, có lẽ nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải sẽ luôn là hành trang của chị Bàn Thị Liên và các chị em Dao Tiền xóm Hoài Khao. Những làn khói đun sáp ong cứ thế quấn quýt và theo chân những cô gái Dao Tiền ở bất cứ nơi đâu, kể cả khi họ đi lấy chồng.