BVR&MT – Tận dụng phế thải như vỏ chai, mảnh sành, bát đĩa vỡ… người dân làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã sáng tạo kết thành những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt trên con đường làng.
Nằm bên bờ đê sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô khoảng 15 km, làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang đến cho bất kỳ ai ghé thăm một cảm giác bình yên với những con ngõ đậm nét làng Việt xưa. Làng Liên Mạc vốn là tên gọi từ xa xưa của thôn Hoàng Liên, gồm: Tổ dân phố Hoàng Liên 1, Tổ dân phố Hoàng Liên 2 và Tổ dân phố Hoàng Liên 3. Đến nay, tên gọi này vẫn được người dân nơi đây lưu giữ lại khi xây dựng cổng làng.
Hơn 200 mét đường làng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được chế tạo từ các vật liệu phế thải như vỏ chai, mảnh sành, bát đĩa vỡ,… Đặc biệt, mỗi bức tranh đều phác họa nên hồn cốt văn hóa dân tộc nói chung cũng như gợi nhớ kỉ niệm của người dân làng Liên Mạc xưa như: Hình ảnh của làng xóm, ruộng đồng, hình ảnh con trâu…
Được biết, để làm đẹp cho quê hương, trước đây người dân đã có ý tưởng về việc làm tranh bích họa tại các con đường của Tổ dân phố. Tuy nhiên, nhận thấy việc xả thải diễn ra vẫn còn nhiều, cần có biện pháp để tái chế đi đôi với bảo vệ môi trường nên người dân đã chuyển hướng từ tranh bích họa thành con đường nghệ thuật từ những vật liệu bỏ đi.
Ông Nguyễn Văn Thọ – người dân làng Liên Mạc chia sẻ: “Những ngày đầu việc phát triển cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau khi con đường được khoác áo mới, người dân trở nên hào hứng, phấn khởi hơn. Con đường vừa giải quyết được rác thải vừa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Người dân chúng tôi mong muốn con đường này sẽ được nối dài, trải rộng mãi để tô điểm thêm cho đường làng ngõ xóm thêm sạch, đẹp”.
Những tác phẩm nghệ thuật sống động được khắc họa từ hoạt động thường ngày của người dân góp phần làm nổi bật cả con đường làng. Hơn thế, đó cũng chính là thông điệp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ nơi đây hôm nay và mai sau.
Hà Linh – Đào Thúy