Độc đáo bánh nếp của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán

BVR&MT – Giã bánh nếp là văn hóa truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ. Với đồng bào nơi đây, giã bánh tượng trưng cho tình yêu, sự thủy chung, son sắt của đôi lứa, sự đoàn kết cộng đồng, đồng thời nặn bánh hình tròn còn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời – nguồn gốc cho sự tồn tại của vạn vật.

Bánh nếp sau khi được làm xong, sẽ được bỏ một lớp lạc lên trên để tạo độ thơm ngon cho bánh.

Nguyên liệu để làm bánh nếp của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, chính là gạo nếp bản, được trồng và chăm sóc dưới bàn tay khéo léo, sự cần cù, chăm chỉ trên những thửa ruộng bậc thang.

Sau khi thu hoạch lúa nếp về phơi khô, mang giã để tạo ra những hạt gạo trắng ngần, căng tròn, dùng để đồ xôi. Gạo được ngâm từ 10 tới 12 tiếng cho mềm sau đó vớt ra, để ráo nước rồi cho lên đồ xôi, trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ (tùy lượng gạo để đồ xôi nên thời gian chín sẽ khác nhau) để xôi chín mềm, dẻo nhưng không được nát. Sau khi đồ chín, xôi vẫn đang nóng hổi phải mang dã ngay để có sự dẻo, nhuyễn và lúc nặn bánh sẽ mềm.

Giã bánh là một trong những công đoạn vất vả nhất.

Giã bánh chính là công đoạn vất vả nhất và công phu nhất. Cối và chày được làm từ cây gỗ to, cứng, có mùi thơm. Cối giã được khoét rỗng trong ruột, chày thật nặng để giã bánh thật nhuyễn. Và giã bánh cần dùng nhiều sức vì vậy những người đàn ông Dao sẽ được giao nhiệm vụ giã bánh, bánh nếp sẽ được giã trong khoảng từ 1 tới 2 tiếng, giã càng lâu sẽ càng dẻo, ngon và để được lâu. Sau khi giã bánh xong đến công đoạn cần những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dao, dùng nặn bột vừa giã xong thành những chiếc bánh vừa vặn, tròn hay hình dẹt. Bánh sau khi nặn xong được lên phên, hay mặt lá.

Những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao, tạo nên những chiếc bánh dẻo dai, đầm đà bản sắc.

Tùy theo sở thích mà mọi người có thể để nhân khác nhau, nhưng 2 loại nhân bánh truyền thống là nhân lạc và nhân vừng đen đường. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị dẻo dai của vỏ bánh, vị thơm của gạo nếp nương, vị ngọt bùi thêm phần đậm đà. Tất cả được hòa quyện tạo nên vị ngon đặc trưng của một loại bánh không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng lại có sức sống bền lâu với thời gian.

Giã bánh nếp còn là văn hóa truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ. Với đồng bào nơi đây giã bánh tượng trưng cho tình yêu, sự thủy chung, son sắt của đôi lứa, sự đoàn kết cộng đồng, đồng thời nặn bánh hình tròn còn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời – nguồn gốc cho sự tồn tại của vạn vật.

Hoàng Tôn