Doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó

BVR&MT – Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, doanh nghiệp chế biến gỗ của Hải Dương phải đối mặt nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Lượng hàng gỗ gia dụng xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Minh Toàn từ đầu năm 2023 đến nay giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn hàng sụt giảm

Công ty TNHH Đức Minh Toàn (Gia Lộc) chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ gia dụng, xuất khẩu 100% sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… Thời gian trước, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 200.000 sản phẩm nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, lượng hàng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường thu hẹp, đơn hàng giảm sút kéo theo nhiều vấn đề trong tổ chức sản xuất, bố trí lao động và thu nhập của công nhân. Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Công ty cho biết việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu cho sản phẩm gỗ hiện rất áp lực, bế tắc. Tình hình chính trị thế giới căng thẳng kéo theo kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu tác động đến hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Song với ngành chế biến gỗ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đây là mặt hàng không thiết yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thay thế giá rẻ khác.

Lượng hàng gỗ gia dụng xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Minh Toàn từ đầu năm 2023 đến nay giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022

Công ty TNHH Mộc An Hải (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gỗ mỹ nghệ hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu. Để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho khách hàng, công ty còn liên kết với 50 hộ kinh doanh ở làng nghề mộc Đông Giao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhu cầu thị trường giảm nên lượng hàng tiêu thụ trong nước giảm 30%, còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc… giảm 50% so với trước. Đại diện doanh nghiệp cho hay chi phí về sản xuất, quảng cáo, vận chuyển… tăng cao trong khi giá thành và sức mua giảm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Đơn hàng giảm, doanh thu cũng sụt giảm theo, thậm chí có thời điểm công ty phải co kéo, cầm cự để duy trì sản xuất.

Tìm cách thích ứng

Doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình xuất khẩu đồ gỗ nội thất gần như đóng băng, Công ty TNHH Hoàng Giang (TP Hải Dương) tập trung phát triển thị trường nội địa. Doanh nghiệp nghiên cứu để đa dạng mẫu mã sản phẩm, sử dụng đa dạng nguyên liệu sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từng nhóm khách hàng. Công ty cũng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm đối tác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tăng cường kết nối, tìm cơ hội từ những thị trường mới ở nước ngoài.

Ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, Công ty TNHH Mộc An Hải phát triển kênh bán hàng mới trên các nền tảng mạng xã hội là Zalo, Facebook, TikTok, YouTube. Bằng cách làm này, việc tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp hiệu quả hơn, tiết kiệm được chi phí quảng cáo. Nhờ khai thác các kênh bán hàng trực tuyến mà doanh nghiệp có thêm khách hàng mới, gia tăng cơ hội kinh doanh, tạo cơ sở cho việc tính toán mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài nỗ lực thay đổi cho phù hợp xu hướng tiêu dùng mới, một số doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hướng tới phân khúc thị trường cao cấp. Ông Lê Quang Khỏe, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến gỗ Quang Khỏe (TP Hải Dương) cho biết các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại dùng nguyên liệu thay thế giá rẻ với hình thức bắt mắt. Do đó, bên cạnh việc thay đổi để cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng có thể phát triển theo hướng tạo dựng thương hiệu từ những sản phẩm gỗ uy tín, chất lượng mang bản sắc riêng nhằm thu hút khách hàng, người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh phát triển từ làng nghề mộc truyền thống nên quy mô nhỏ, việc quản trị, điều hành cũng hạn chế. Vì thế, khi gặp những khó khăn, bất lợi từ bên ngoài, “sức đề kháng” của các doanh nghiệp này còn yếu. Trước khó khăn chung, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp chế biến gỗ phải linh hoạt, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để vượt qua.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đề xuất tỉnh có cơ chế ưu đãi về vốn, đất đai, xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ nâng cao năng lực và khả năng cạnh trạnh.

Theo bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua, không chỉ riêng các doanh nghiệp chế biến gỗ mà các doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng đứng trước nhiều khó khăn do bối cảnh chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến gỗ có những đặc thù riêng như cần mặt bằng rộng, vốn đầu tư lớn, nguyên liệu không sẵn có phải vận chuyển ở xa về… nên áp lực càng lớn hơn. Hiệp hội đã kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, có giải pháp để tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và cộng động doanh nghiệp nói chung.