Đô thị sân bay quốc tế được bổ sung 1.200ha đất thương mại dịch vụ

BVR&MT – Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Cam Lâm – nơi được định hướng phát triển thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế – đất phi nông nghiệp tăng 4.887ha. Trong đó, đất thương mai dịch vụ tăng gần 1.200ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Cam Lâm.

Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của Cam Lâm là hơn 54.659 ha. Trong đó, đất nông nghiệp được điều chỉnh giảm từ 46.840ha còn 42.930ha. Cụ thể, đất nuôi trồng thủy sản giảm từ 604ha còn 102ha; đất trồng lúa từ 1.776ha còn 1.186 ha. Đặc biệt, đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200ha và 1.561ha.

Đến năm 2030, đất phi nông nghiệp huyện Cam Lâm tăng thêm 4.887ha. (Ảnh: Trung Vũ).

Trong khi đó, đất phi nông nghiệp lại được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm. Đáng chú ý, đất thương mại dịch vụ tăng mạnh từ 623ha lên 1.815ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155ha. Ngoài ra, đất chưa sử dụng của Cam Lâm cũng giảm mạnh từ 1.565ha còn 613ha.

Liên quan đến huyện Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành đô thị sân bay theo mô hình đô thị kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại I, làm cơ sở phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thành phát triển không gian và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh vào năm 2030.

Đất nuôi trồng thủy sản tại huyện Cam Lâm sẽ giảm mạnh đến năm 2030. (Ảnh: Trung Vu).

Đồng thời, Cam Lâm định hướng sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân – Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây. Đến năm 2030, trên địa bàn Cam Lâm dự kiến hình thành các khu du lịch (KDL) sinh thái như: KDL sinh thái Hòn Bà (xã Suối Cát); KDL sinh thái trên hồ Suối Dầu (xã Suối Tân), KDL sinh thái trên hồ Cam Ranh (xã Cam Tân)…

Đáng chú ý, ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Theo Nghị quyết 09, Khánh Hòa sẽ điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hoá truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.