Dỡ đập khơi thông dòng cá

BVR&MT – Tiểu bang Maine ở Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc dỡ bỏ đập để khôi phục các dòng chảy của cá hồi. Giờ đây, hàng triệu con cá, trong đó có cá trích đang bơi ngược dòng trở lại các bãi đẻ trong đất liền.

Đầu tháng 6, hàng đàn cá trích sông dày đặc bơi ngược từ vịnh Maine về đẻ trứng ở hồ Highland cách biển gần 20 km. Loài cá dài khoảng 25 cm này thường kiếm ăn ở biển khoảng 4 năm trước khi quay về nơi chúng sinh ra. Đàn cá chen chúc dưới chân thác ở suối Mill Brook thuộc thành phố Westbrook, tiểu bang Maine, chúng đợi cơn mưa sắp tới làm nước dâng lên để có thể tiếp tục hành trình ngược về thượng nguồn ở hồ Highland cách đó chừng 5 km.

Hơn 250 năm nay, cá trích sông vắng bóng ở Mill Brook và cả nơi dòng suối này chảy vào là sông Presumpscot. Sự trở về của chúng được cho là kết quả của việc dỡ con đập làm nghẽn một trong những huyết mạch quan trọng trong hệ thống tuần hoàn của vịnh Maine – một phần của Đại Tây Dương và trải dài từ Cape Cod đến Nova Scotia. Con đập được dỡ năm 2002.

Cá trích sông quay trở lại Mill Brook tạo động lực cho tổ chức phi lợi nhuận Presumpscot Regional Land Trust quản lý khu vực này mạnh dạn bảo vệ 10 km hành lang sông ở hạ nguồn hồ Highland nối với Presumpscot. Khoảng 5 năm trước, các con đường bên suối được mở và cứ mỗi độ trung tuần tháng 5, người dân Maine từ khu vực Portland lại đổ về đây xem cá trích sông thực hiện chuyến hành trình kéo dài 2 tới 3 tuần.

“Thật may mắn khi chú ý đến những vấn đề này từ thời điểm đó”, nhà sinh vật học Zach Whitener thuộc Viên nghiên cứu vịnh Maine và nghiên cứu về lịch sử đời sống cá trích sông trong hơn một thập kỷ qua, cảm khái khi đừng trên bờ Mill Brook.

“Mặc dù tình hình biến đổi khí hậu rất u ám và nghề đánh bắt cá tầng đáy ở Maine đang sụp đổ nhưng thật đáng phấn khởi khi thấy một hệ thống tự nhiên ở gần sát thành phố Portland thế này hồi sinh”.

Whitener cho hay khắp tiểu bang có chừng 60 – 100 luồng cá trích sông và con số này đang tăng khi ngày càng nhiều đập bị dỡ bỏ, tạo điều kiện cho không chỉ cá trích sông mà cả các loài cá di cư khác như cá hồi, cá trích Mỹ, cá tầm, cá trích lưng xanh, cá vược vằn và cá chình… quay về.

Cá trích sông. (Ảnh: NatGeo)

Cũng theo Whitener, dòng cá trích ở sông Kennebec không còn bị đập Edwards chặn đường nữa hiện ước chừng 5 triệu con. Dòng cá ở Penobscot được khơi thông lại sau khi dỡ 2 đập Great Works (năm 2012) và Veazie Dams (2013) hiện cũng có chừng 3 triệu con cá trích ngược dòng đẻ trứng mỗi năm.

Whitener có tình cảm đặc biệt với cá trích sông. Không sống cả đời ở biển như loài họ hàng là cá trích Đại Tây Dương, cá trích sông vượt qua các hệ sinh thái ở đất liền, ngược dòng để đẻ trứng ở môi trường nước ngọt, còn cá trưởng thành sống ở biển. “Lượng sinh khối ở khắp tiểu bang – 15 triệu con cá từ biển vào sông và các vùng hồ – mang theo quá nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng cho hệ thống nước ngọt”, Whitener giải thích. “Rõ ràng mọi thứ đều ăn chúng”.

Thật vậy, có rất nhiều loài (sống ở cả nước mặn và nước ngọt) ăn cá trích sông như hải cẩu, cá voi, đại bàng, ó, diệc, chồn, rái cá, gấu trúc Bắc Mỹ, chồn hôi, gấu và một số loài cá, chưa kể đến côn trùng, tôm và vi sinh vật hữu cơ tiêu thụ và phân giải thức ăn thừa.

Whitener (từ bé đã quen với nghề đánh bắt tôm hùm trên một hòn đảo nhỏ thuộc vịnh Casco tại Maine) thừa nhận cá trích sông là tài nguyên giá trị với cả con người – chúng là nguồn mồi tươi sống đầu tiên vào mùa xuân cho ngư dân đánh bắt tôm hùm và cá bơn. Trước khi cá trích quay về, ngư dân phải dùng cá trích Đại tây Dương đông lạnh được đánh bắt từ mùa thu năm trước. Người dân ở Maine có truyền thống chuẩn bị cá trích hun khói làm thức ăn vì đó là “loại cá mặn nhất, cứng nhất, béo nhất bạn từng ăn”.

Vào mùa xuân, ngư dân thường bẫy bắt cá trích hoặc gạn bằng vó, tuy nhiên lượng cá để làm mồi bị kiểm soát nghiêm ngặt. “Mỗi dòng sông có những mục tiêu quản lý hoặc ngưỡng riêng”, Whitener chia sẻ. Ngư dân đánh bắt cá vược sọc đôi khi bắt tới 25 con cá trích sông mỗi ngày trong suốt thời gian cá hành trình ngược dòng Mill Brook.

Khi đập bị dỡ

Maine là bang đi tiên phong trong việc dỡ đập nhằm hồi sinh dòng sông: năm 1999 phá đập Edwards trên sông Kennebec. Năm 2000, cá hồi Đại Tây Dương ở vịnh Maine được bảo vệ theo Đạo luật các loài nguy cấp – điều này càng thúc đẩy tiến trình dỡ bỏ đập để cứu loài cá được yêu mến và được coi là “vua của các con sông” này. Vào thời điểm đó, toàn tiểu bang được cho là còn không đầy 1.000 con cá hồi. Cá trích sông và những loài cá kém hấp dẫn hơn cũng được hưởng lợi.

Dỡ đập tốn cả công và của (riêng đập Edwards tiêu tốn 7 triệu đô la) nhưng hiệu quả gần như đến ngay lập tức vì hồi phục các dòng sức sống thiên nhiên ở cả đất liền và ngoài biển.

Một con đập được xây dựng ở đỉnh triều cường trên sông Presumpscot vào những năm 1730 để cung cấp năng lượng cho một xưởng cưa ở thị trấn Falmouth. Điều đó đánh dấu kết thúc cho hành trình của cá trích sông lên hồ Highland. Năm 1898, con đập được gia cố và xây dựng lại để làm thủy điện và được gọi là đập Smelt Hill. Gần một thế kỷ sau, năm 1996, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề, và người ta quyết định dỡ đập. Công binh Lục quân Hoa Kỳ – hợp tác với Sở Tài nguyên Biển, Bảo vệ Môi trường và Giao thông Vận tải bang Maine – bắt đầu dỡ công trình, và đến mùa thu năm 2002, đập Smelt Hill chỉ còn là kỷ niệm.

Trong khi đó, giới sinh vật học thả cá trích sông vào hồ Highland, hy vọng rằng nếu không có đập, cá sẽ tìm đường ra biển và quay trở lại đẻ trứng. Đó chính xác là những gì đã xảy ra: xung dòng chảy sông quay trở lại và với mỗi năm, dòng cá trích sông trở về từ vịnh Casco ngày càng nhiều. Ngày nay, khoảng 70.000 con cá thực hiện hành trình vào mùa xuân từ Presumpscot và Mill Brook đến hồ Highland để đẻ trứng, theo Whitener.

Cá trích sông là thức ăn thực thể cho nhiều động vật, chúng cũng nuôi dưỡng chúng ta về mặt tinh thần. Sự thể hiện khả năng phục hồi của thiên nhiên tại Mill Brook năm nay dường như đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đầy rẫy bất định và lo lắng về đại dịch Covid-19. Người ta đi dạo trên bờ sông giữa những hàng cây độc cần khi đàn chích chòe líu lo, say mê ngắm cảnh đàn cá trích sông cần mẫn ngược dòng trong hành trình di cư. Khuôn mặt bọn trẻ đầy kinh ngạc.

Đối với Rachelle Curran Apse, Giám đốc của Presumpscot Regional Land Trust, đàn cá trích sông ở Mill Brook ngày càng phổ biến tăng trong mùa này là tín hiệu vui buồn lẫn lộn. Mối quan ngại là quá nhiều hoạt động trên bờ có thể gây căng thẳng cho cá.

Cô nói: “Dòng cá này sẽ quay trở lại vì rất nhiều người quan tâm và không cản trở con đường chúng đi. Chúng ta phải quản lý chứ không được khiến đàn cá choáng ngợp”.

Nhật Anh (Theo National Geographic)