BVR&MT – Việc dỡ bỏ đập Edwards trên sông Kennebec ở bang Maine giúp các nhà bảo tồn sông tái hiện lại những gì có thể.
Bước ngoặt
Hơn 1000 người xếp hàng dọc bờ sông Kennebec ở Augusta, Maine vào ngày 1/7/1999 để chứng kiến một sự tái sinh.
Tiếng chuông báo hiệu một chiếc máy xúc gầu ngược ở bờ đối diện đào sâu vào bức chắn. Nước nhỏ giọt rồi tuôn chảy. Đám đông bừng tiếng reo hò khi đập Edwards, dài gần 300 m vắt ngang sông, bị phá vỡ. Toàn bộ con đập sẽ sớm được dỡ bỏ.
Sông Kennebec không chảy tự do kể từ năm 1837.
Những người ủng hộ việc dỡ bỏ con đập hứa hẹn rằng nghề cá bị tàn phá sẽ hồi phục, thành phố Augusta sẽ được hưởng lợi từ những cơ hội giải trí mới và sự hồi sinh của dòng sông.
Họ đã đúng, nhưng không phải chỉ Augusta cảm nhận được thay đổi.
Việc dỡ bỏ đập Edwards trở thành một thời điểm then chốt trong lịch sử của phong trào môi trường và phục hồi sông ở Hoa Kỳ. Đó là con đập thủy điện đang hoạt động đầu tiên bị dỡ bỏ – và lần đầu tiên Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã bỏ phiếu, trái với mong muốn của chủ sở hữu đập, không tái cấp phép cho một con đập.
Nhưng quan trọng nhất là việc phá đập báo hiệu một sự thay đổi suy nghĩ về cách chúng ta cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường – và điều đó có tác động lan tỏa.
John Burrows, Giám đốc Chương trình New England của Liên đoàn Cá hồi Đại Tây Dương, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực dỡ bỏ con đập này, cho biết: “Đó là con đập lớn đầu tiên để chứng minh cho nước Mỹ thấy rằng các dòng sông có những giá trị khác vượt hơn giá trị sử dụng cho công nghiệp. Dỡ đập giúp mọi người nhận ra rằng các dòng sông mà chúng ta đã không quan tâm trong vài trăm năm, có thể là một tài sản khác cho cộng đồng. Và cho xã hội”.
Giết một dòng sông
Xây dựng đập Edwards chưa bao giờ là một ý tưởng được ủng hộ. Ngay từ những năm 1830, đã có lo ngại rằng các nghề cá đang phát triển ở hạ nguồn sông Kennebec sẽ bị xóa sổ. Nhưng những người cổ vũ cho chủ nghĩa công nghiệp đã thắng thế, và con đập được xây dựng vào năm 1837 để cung cấp điện cho các nhà máy địa phương.
Hậu quả đến ngay lập tức.
Việc xây dựng đập ngăn cản sự di cư của gần một tá loài cá biển thường ngược dòng hơn 40 dặm từ Đại Tây Dương để tìm kiếm sinh cảnh đẻ trứng thích hợp trên sông Kennebec và các dòng nhánh.
“Dòng sông bị chuyển đổi từ một nơi sản xuất ra hàng triệu con cá trích, cá vược sọc, cá hồi Đại Tây Dương, cá tầm và cá trích Mỹ, hỗ trợ rất nhiều loài khác từ rái cá đến đại bàng thành một hệ thống thoát nước thải”, Jeff Crane, trưởng khoa của trường nghệ thuật và khoa học thuộc đại học Saint Martin, viết trong một nghiên cứu xuất bản năm 2009.
Trong vòng vài năm, cá trích Mỹ ở sông Sebasticook, một nhánh của sông Kennedyebec ở phía thượng nguồn con đập, đã biến mất. Tại một nơi bạn từng có thể bắt được 500 con cá hồi một mùa ở Augusta, đến năm 1850 thì may mắn lắm bạn mới bắt được năm con. Tiểu bang cho biết ngành công nghiệp cá trích ở đó đã bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 1867. Lượng cá tầm đánh bắt được ở hạ nguồn Kennedy giảm từ 145 tấn/năm xuống chỉ còn 5,4 tấn/năm vào năm 1880.
Vào những năm 1900, các vấn đề của dòng sông thậm chí còn tồi tệ hơn. Sông Kennebec trở thành bãi chứa chất thải chất thải độc hại từ các nhà máy giấy và nước thải đô thị. Các súc gỗ từ ngành công nghiệp gỗ ở ngoại ô làm nghẹt dòng chảy sông, lượng oxy giảm vì nước thải đã gây ra những vụ cá chết lớn. Đến thập niên 1960, không ai muốn câu cá hay bơi lội ở sông Kennebec nữa.
Brian Graber, hiện đang làm giám đốc cao cấp về phục hồi sông thuộc tổ chức American Rivers, lớn lên ở Massachusetts và trải qua cả mùa hè trong một cabin gia đình ở ngoại vi Augusta. Dòng sông Kennebec thời thơ ấu của anh không phải là chỗ vui vẻ – hay thậm chí là để sống.
“Điều khiến tôi kinh ngạc nhất khi còn bé là tất cả các tòa nhà dọc theo bờ sông ở trung tâm thành phố Augusta đều quay lưng ra sông và hoặc đóng kín cửa hoặc không có cửa sổ”, Graber nhớ lại.
Nhưng mọi thứ bắt đầu dần được cải thiện sau khi Đạo luật Nước sạch quốc gia được thông qua năm 1972.
Tiểu bang Maine đã chi 100 triệu USD cho các cơ sở xử lý nước trong khoảng thời gian 1972 – 1990 để làm sạch dòng sông và đáp ứng các luật lệ môi trường hiện đại. Những cải thiện về chất lượng nước đã dấy lên mối quan tâm mới trong việc mở rộng phục hồi sông. Rốt cuộc, Kennedy đã không còn vô vọng.
Nhưng một trở ngại vẫn còn.
Nghĩ lớn
Trong những năm 1980, những nỗ lực cải thiện đường cá đi qua đập và chất lượng nước trên sông vẫn tiếp diễn. Mặc dù nhiều nhóm môi trường nghĩ rằng việc dỡ bỏ đập là hy vọng sinh thái tốt nhất để khôi phục Kennebec nhưng ít người tin rằng chiến dịch này có thể thắng lợi.
Vào thời điểm đó, việc dỡ bỏ các con đập là một khái niệm khá kỳ quặc, hầu hết những người mà chúng tôi tương tác không cho rằng chúng tôi chiếm ưu thế”, theo Pete Didisheim, Giám đốc cao cấp về vận động chính sách thuộc Hội đồng Tài nguyên thiên nhiên tiểu bang Maine.
Cuộc thảo luận khác về việc dỡ bỏ đập xảy ra sau đó ở Hoa Kỳ là về đập trên sông Elwha thuộc bang Washington. (Tuy nhiên, hai con đập Elwha đã bị dỡ bỏ vào các năm 2011 và 2014).
Năm 1991, Công ty Edwards, chủ sở hữu của đập Edwards, xin giấy phép gia hạn 50 năm để vận hành đập. Liên minh Kennebec mới thành lập nhảy vào để thuyết phục Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang, cơ quan phụ trách việc tái cấp phép, từ chối giấy phép đó. Liên minh được tạo thành từ các tổ chức phi lợi nhuận American Rivers, Liên đoàn Cá hồi Đại Tây Dương, Hội đồng Tài nguyên thiên nhiên Maine, Trout Unlimited và Kennebec Valley Chapter.
“Người ta không những bắt đầu tưởng tượng xem dỡ bỏ đập sẽ mang lại lợi ích gì từ cá mà còn là những lợi ích của thành phố nếu họ có một dòng sông chảy tự do”, Andrew Fahlund, hiện là cán bộ chương trình cao cấp tại Water Foundation và làm việc cho American Rivers trong quá trình thúc đẩy dỡ bỏ đập, phân tích.
Liên minh đã tranh luận dữ dội. Con đập chỉ sản xuất 3,5 MW điện, cung cấp không đầy 0,1% nhu cầu điện của Maine, chỉ sử dụng một vài lao động, đồng thời đã cũ kỹ, không an toàn, và gặp sự cố rò rỉ nhiều lần. Nó chặn đứng sinh cảnh thiết yếu của cá ở thượng nguồn, kể cả luồng di cư của loài cá tầm đang trong tình trạng nguy cấp.
Và nghề cá được phục hồi sẽ mang lại lợi ích kinh tế cũng như sinh thái – lợi nhuận có thể được chia sẻ rộng rãi hơn so với việc những công ty nhỏ sở hữu con đập.
Nhưng việc dỡ bỏ một đập thủy điện hoạt động vì lợi ích của cá chưa bao giờ xảy ra trước đây.
“Ban đầu, nhân viên của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đề xuất rằng con đập này cần được tái cấp phép. Các tổ chức của chúng tôi làm việc cật lực với một số chuyên gia để thực sự chứng minh rằng các giá trị sinh thái của việc dỡ bỏ đập vượt xa sản lượng điện”, Burrows kể lại.
Liên minh đã đưa ra 7.000 trang tài liệu về tác động của đập và tầm quan trọng kinh tế của việc khôi phục thủy sản.
Đồng thời, Liên minh cũng nỗ lực giáo dục công chúng, thu hút sự chú ý ở cấp quốc gia và sự ủng hộ của thống đốc bang Maine Angus King – người nói rằng việc dỡ bỏ con đập sẽ giúp Kennebec “lấy lại vị trí là một tài sản kinh tế và là một phép màu sinh thái”.
Những người đề xuất đập chống đối rằng dỡ bỏ sẽ quá tốn kém và sẽ gây xói mòn bờ sông, gây ra lũ lụt ở hạ nguồn và làm giảm giá trị bất động sản những người sống dọc theo bờ sông.
Nhưng vào năm 1997, sau khi tham khảo bằng chứng từ Liên minh, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã bỏ phiếu từ chối gia hạn giấy phép và yêu cầu dỡ đập. Những người vận động để dỡ bỏ đập sung sướng ngây ngất, trong khi chủ sở hữu đập trên cả nước đều sốc.
Đấy là lần đầu tiên ủy ban sử dụng thẩm quyền để từ chối cấp phép theo mong muốn của chủ sở hữu đập. Và điều này chưa từng xảy ra trước đó.
Đó không chỉ là phán quyết mang tính đột phá của ủy ban mà cũng là lần đầu tiên một con đập bị dỡ khỏi dòng chính của một con sông chứ không phải là một nhánh nhỏ hơn – điều Graber cho là một thành tựu quan trọng.
“Đây là thời điểm quan trọng để chúng tôi xây dựng một phong trào quốc gia để phá hủy các con đập”.
Tuy nhiên, trận chiến vẫn chưa thắng lợi.
Phải mất một năm nữa để đạt được thỏa thuận thương lượng với chủ sở hữu đập, các nhóm bảo tồn và các cơ quan liên bang và tiểu bang đã tìm cách ngăn chặn mối đe dọa của các vụ kiện kéo dài từ Công ty Edwards.
Phần lớn nguồn tài trợ cho việc dỡ bỏ đập đến từ Bath Iron Works, một công ty đóng tàu ở hạ nguồn đang mở rộng hoạt động sang vùng sinh cảnh của cá tầm. Công ty trả tiền cho thỏa thuận phá đập như là một phần của bù đắp môi trường.
Quyết định đã có tác động sâu rộng.
“Thành công của nỗ lực này là một ví dụ cho các nhà hoạt động phục hồi sông khác trên toàn quốc về những gì có thể đạt được, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nỗ lực dỡ bỏ đập và các dự án phục hồi ngư nghiệp”, Crane viết.
Một dòng sông tái sinh
Việc dỡ bỏ đập Edwards vào tháng 7/1999 hóa ra là cơ hội để Augusta xây dựng lại mối quan hệ với dòng sông.
“Giống như hầu hết các thành phố ở New England thời kỳ đó, dều quay lưng ra sông trong hơn 100 năm”, theo Fahlund, người có mặt ở bờ sông ngày hôm đó. Ông vẫn nhớ cảm giác sôi động và không khí lễ hội – âm nhạc ồn ã, áo phông kỷ niệm được bán và các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Đó cũng là một ngày cảm xúc lẫn lộn đối với một số cư dân. Con đập đã là một phần của lịch sử thành phố trong hơn 160 năm, vừa là cơ sở hạ tầng và vừa là công trình biểu tượng, nhưng một phần của chiến dịch dỡ bỏ là để chống lại quan niệm rằng các con đập sẽ tồn tại mãi mãi.
Tác động vượt ngoài giới hạn thị trấn.
“Dù không phải là một con đập khổng lồ, nhưng nó phần nào gây chấn động đối với suy nghĩ của mọi người về những con đập rằng chúng không nhất thiết phải tồn tại mãi”, theo Didisheim.
Ngay khi đập được dỡ xuống, dòng sông đã dâng tràn. Cá ngay lập tức đến được với sinh cảnh hơn 18 dặm, tới tận thành phố Waterville tại cửa sông Sebasticook. Cá tầm Đại Tây Dương bắt đầu bơi qua địa điểm đập cũ, cá trích Mỹ sớm quay trở lại. Trong vòng một năm, người ta lại thấy cảnh hải cầu đuổi theo loài cá trích sông ở phía thượng nguồn, cách đại dương tới 40 dặm.
Và khi cá trích quay trở lại, những loài ăn chúng – rái cá sông, gấu, chồn, đại bàng hói, chim ó cá và diệc xanh cũng vậy.
Nhưng chỉ số tốt nhất về sự phục hồi hệ sinh thái là sự hồi sinh của các loài côn trùng thủy sinh như phù du và bọ đá, báo hiệu chất lượng nước được cải thiện.
“Tất cả đều hồi phục và sự đa dạng tăng vọt”, Fahlund nói.
“Chúng tôi biết điều gì đó tuyệt vời đang xảy ra và sẽ mang lại mọi thứ mà chúng tôi đã hy vọng”.
Trong vài năm, dòng sông bắt đầu đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng nước cao hơn.
“Nước… bây giờ đã lành mạnh hơn nhiều vì không còn ngồi yên và chết nữa. Thay vào đó, nước sủi bọt và tràn xuống hạ nguồn qua các khe sỏi và rìa sông được khám phá lại, thu nhận và hấp thụ oxy khi chảy về phía đại dương. Con sông vẫn sống theo cách mà nó chưa từng được thế qua nhiều thế hệ”, theo một bài xã luận đăng năm 2009 trên tạp chí Kennebec Journal Morning Sentinel.
Những lợi ích cũng đến với cộng đồng. Một công viên và những con đường được xây dựng dọc theo bờ sông.
“Mọi người xuống nước, chủ yếu chèo thuyền kayak hoặc đi ca nô”, Graber nói. “Trung tâm thành phố đang bắt đầu sử dụng sông nhiều hơn. Các tòa nhà đã được tái phát triển theo hướng sử dụng dòng sông như một tiện nghi. Dòng sông thực sự trở lại với cuộc sống cả về mặt con người và hệ sinh thái”.
Tác động lan tỏa
Thành công không dừng lại ở Augusta. Việc loại bỏ đập Edwards châm ngòi cho những nỗ lực để vượt qua chướng ngại vật tiếp theo: đập Fort Halifax trên sông Sebasticook ở Waterville. Sau tám năm nỗ lực, con đập bị dỡ bỏ vào năm 2008, tiếp tục mở rộng sinh cảnh cho cá bản địa.
“Chúng ta có các loài như cá tầm, cá vược sọc, cá mướp vân và các loài cá biển quan trọng khác hiện đến được với sinh cảnh lịch sử của chúng ở lưu vực sông”, Burrows chia sẻ.
Việc dỡ bỏ cả hai con đập, kết hợp với tích cực thả cá trích vào ao hồ ở thượng nguồn và ở các khu vực khác của lưu vực, đã giúp quần thể cá trích sông phục hồi đáng kể. Số lượng cá trích trở lại để sinh sản đã tăng vọt từ 78.000 vào năm 1999 lên 5,5 triệu vào năm ngoái.
Và cửa sông ở hạ nguồn cũng được tưởng thưởng.
Khi hàng tỷ con cá trích sông vị thành niên rời khỏi sông hồ nước ngọt để ra biển và có thể sống từ ba đến năm năm tại đó. Ở đó chúng trở thành nguồn thực phẩm cho tất cả mọi thứ, từ cá tuyết và cá haddock cho đến cá voi và hải cẩu.
“Chúng thực sự là một loài sinh thái quan trọng đối với Vịnh Maine”, theo Burrows.
Cá trích sông cũng là nguồn mồi quý giá cho những người đánh bắt tôm hùm thương mại – những người mà thập kỷ gần đây đã thâm hụt nguồn cung từ địa phương đến mức phải chuyển sang nhập mồi từ Đông Nam Á, gây ra nhiều vấn đề mới về chi phí và môi trường.
“Hiện tại, chúng tôi có số lượng cá trích sông lớn nhất ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ, thậm chí là lớn nhất toàn bộ vùng biển phía đông của Bắc Mỹ, nhưng quần thể đó có thể dễ dàng tăng gấp ba, bốn lần so với bây giờ. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục nỗ lực để khôi phục sinh cảnh và hy vọng sẽ thấy những quần thể đó tiếp tục tăng”, Burrows chỉ ra.
Didisheim cho biết ước tính khoảng 27 triệu người con cá trích sông đã về đẻ trứng từ khi đập Ft. Halifax đã được dỡ bỏ, và điều đó không thể xảy ra nếu không dỡ đập Edwards trước đó.
Đập Edwards cũng giúp thúc đẩy một dự án phục hồi lớn trên sông Penobscot, cách Augusta vài giờ lái xe về phía đông bắc. Các nhóm bảo tồn đã làm việc với các nhà điều hành đập trên sông Penobscot để tăng phát điện tại một số đập khác rồi dỡ bỏ một loạt các đập thấp hơn nhằm mở ra hơn 1.000 dặm sông cho cá tiếp cận, đặc biệt là loài cá hồi Đại Tây Dương đang cực kỳ nguy cấp.
Trong khi dự án đó đang được phát triển, những người đề xuất có thể chỉ ra sự phục hồi của sông Kennebec là ví dụ về những gì có thể đạt được.
“Các nhà hoạt động phục hồi sông Kennebec, các lãnh đạo thành phố và tiểu bang không có được lợi thế như các nhà hoạt động phục hồi sông sau này – cụ thể chính việc phục hồi sông Kennebec là ví dụ mạnh mẽ về việc phục hồi sông có thể nhanh và thành công như thế nào. Đây là một lý do khiến việc dỡ bỏ đập Edwards quan trọng đến thế; nó đã cho các cộng đồng khác thấy được quá trình cần thiết và mức độ thành công”.
Phong trào dâng cao
Việc dỡ đập lan ra ngoài bang Maine. Khi đập Edwards được dỡ bỏ, khoảng năm vụ dỡ đập diễn ra trên toàn quốc mỗi năm. Năm ngoái là 80. Kể từ đập Edwards, hơn 1.100 đập đã bị dỡ.
Trong số đó có nhiều con đập nhỏ, nhưng cũng có những dự án lớn, như hai đập trên sông Elwha là dự án dỡ đập lớn nhất cho đến nay trên thế giới.
Việc loại bỏ đập Condit cao 38m vào năm 2011 trên sông White Salmon, một nhánh của sông Columbia ở Washington, là một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ cá hồi đang bị đe dọa. Đập Condit bị dỡ bỏ bởi vì việc bổ sung các trang thiết bị hiện đại cho cá là không kinh tế – dỡ đập sẽ rẻ hơn so với xây dựng đường cá đi.
Nhìn chung, có sự thay đổi trong suy nghĩ của công chúng về các con đập trong hai thập kỷ qua.
“Không chỉ vì các nhà bảo tồn và bảo vệ môi trường đang vận động, trong rất nhiều trường hợp, dỡ bỏ đập là vì lý do kinh tế và an toàn công cộng”, theo Amy Souers Kober, giám đốc truyền thông thuộc American Rivers.
Trong đó, bao gồm cả con đập Bloede trên sông Patapsco ở Maryland, nơi chín người chết đuối. Những nỗ lực để dỡ bỏ con đập ở đó bắt đầu vào tháng Chín.
Ngoài ra, còn có một số dự án lớn sẽ được xử lý, cả các đập trên sông Middle Fork Nooksack – theo Kober nói là dự án phục hồi cá hồi số một ỏ cửa biển Puget Sound mà các nhà bảo tồn hy vọng sẽ giúp đỡ những con cá voi sát thủ miền Nam đang nguy cấp.
Và mọi con mắt đổ dồn về sông Klamath khi các kế hoạch kết hợp với nhau để loại bỏ bốn con đập vào năm 2021 để trở thành dự án dỡ đập và phục hồi sông lớn nhất trên thế giới.
Những người đề xuất dỡ bỏ đập không nghĩ rằng chúng ta cần phải loại bỏ tất cả các con đập, và tất nhiên chúng ta không thể. Hoa Kỳ có hơn 90.000 con đập và nhiều đập vẫn có vai trò quan trọng. Nhưng ở nơi các con đập đã được dỡ bỏ, hai thập kỷ qua cho thấy kết quả môi trường là vô song.
“Không có cách nào nhanh hơn hoặc hiệu quả hơn để đưa một dòng sông trở lại với cuộc sống là bỏ đi một con đập. Vì thế chúng tôi đã tập trung vào việc này trong 20 năm qua. Đó là một chiến thắng vì lý do môi trường, an toàn cộng đồng và giảm nhẹ trách nhiệm cho chủ sở hữu đập”, Graber bày tỏ.
Trên hết, việc dỡ bỏ đập lớn hơn nhiều bản thân con đập, Kober nói.
“Việc dỡ đập thực sự là những câu chuyện về những người đòi lại sông”.
Những câu chuyện đó bắt đầu với đập Edwards.
Nhật Anh (Theo The Revelator)