BVR&MT – ATK Định Hóa – Thái Nguyên được biết đến là một khu di tích lịch sử cách mạng có quy mô lớn với nhiều điểm di tích nằm đan xen giữa những đồi xanh ngát tre, vầu và cọ. Công tác bảo vệ rừng, cảnh quan môi trường cần được quan tâm để lưu giữ lại những giá trị lịch sử. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thì người dân xung quanh, sống dựa vào rừng phải được hỗ trợ những chính sách hợp lý để phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.
Những chính sách lớn của Trung Ương và tỉnh phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế giảm nghèo với cảnh quan môi trường. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đến việc quản lý phát triển kinh tế đồi rừng. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rừng gỗ lớn, những loại cây phù hợp với điều kiện canh tác của người dân, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Từng bước giảm nghèo từ Cây quế
Công tác tuyên truyền về giảm nghèo ở Thái Nguyên được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo.
Trong đó, thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 04 huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương. Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Thái Nguyên đã huy động được hơn 6.400 tỷ, trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ khoảng gần 9%, vốn ngân sách tỉnh chiếm trên 7%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 45%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chung chiếm 37%; vốn huy động khác chiếm gần 2%.
Với đặc thù là huyện miền núi, những năm qua, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Định Hóa còn nhiều khó khăn. Xác định mục tiêu đưa cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế. những năm qua, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế. Dự án trồng quế cũng có sự tham gia tích cực của Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Trần Minh Hà – Trưởng ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: “ATK Định Hóa là huyện miền núi có diện tích đất lâm nghiệp là trên 30.000 Ha, đã được quy hoạch 3 loại rừng. Trong những năm qua, ATK Định Hóa đã triển khai một số chính sách lâm nghiệp như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của Chính Phủ theo quyết định 75/2015/NĐ-CP cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020″.
Do vậy, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa đã có nhiều tham mưu giúp huyện mở rộng diện tích quế nhằm từng bước xây dựng vùng nguyên liệu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ kinh tế rừng và thực hiện việc bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực. Mỗi năm, huyện chỉ đạo thực hiện trồng trên 500 ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.
Sau 5 năm triển khai thực hiện dự án trồng cây Quế, đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 2.300 ha Quế. Hiện nay, một số diện tích Quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.Trong năm 2020, cùng với việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng diện tích 5.700 ha, huyện tiếp tục triển khai trồng mới hơn 1.500 ha rừng bằng nhiều nguồn vốn như: chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác.
Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đôn đốc các ban phát triển rừng xã, xóm, thôn, bản hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết, bảo đảm tiến độ cũng như hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2020. Để phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tiến hành cấp cây giống, phân bón cho bà con nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cử cán bộ địa bàn xuống cơ sở để hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện các khâu như: xử lý thực bì, lấp hố, trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm đạt tỷ lệ sống cao nhất.
Trao đổi với Phóng viên, Anh Hoàng Văn Hợp – xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa cho biết: Gia đình được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn trồng dự án cây quế từ năm 2013, đến nay đã thu hoạch lá được 2 lần mỗi lần hơn 10 triệu đồng. Gia đình tôi thấy lợi ích của cây quế rất là thiết thực. Bởi vì tuy trồng được vài năm chưa khai thác cây, gia đình vẫn có thể tỉa cành, lá hỗ trợ kinh tế gia đình.
Từ năm 2015 đến nay, huyện đã trồng mới được trên 7.600 ha rừng các loại, rừng trồng mới bình quân đạt trên 1.000 ha/năm. Điều này góp phần nâng độ che phủ rừng hiện tại đạt gần 60%. Hiện trên địa bàn Định Hóa bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung nhằm phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại địa phương. Có thể thấy được những đổi thay trên mảnh đất Định Hóa, cây quế đã dần trở thành cây lâm nghiệp thay thế, phát huy tiềm năng và lợi thế để kinh tế đồi rừng từng bước xóa đói giảm nghèo.
Văn Trì