Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh): Ô nhiễm từ lò đốt rác “tạm thời”

BVR&MT – Khói, ruồi muỗi và mùi hôi thối nồng nặc là những gì phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ghi nhận được tại lò đốt rác trên địa bàn phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc lò đốt rác của phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống quanh khu vực lò đốt rác, phóng viên (PV) Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đến hiện trường để tìm hiểu và ghi nhận.

Đình Bảng là một trong những phường trung tâm của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có kinh tế phát triển, dân cư đông đúc với diện tích tự nhiên 826,74ha, trên 20.000 hộ dân, được phân bố ở 16 khu phố. Nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân rất lớn, vì vậy lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất nhiều, xấp xỉ 20 tấn/ngày.

Lò đốt rác bị phản ánh nằm ở vị trí thuộc nghĩa trang nhân dân phường Đình Bảng. Tại thời điểm PV có mặt, vào khoảng 10h00 ngày 23/5/2019, cột khói màu đen bốc lên nghi ngút, ruồi muỗi và mùi hôi thối nồng nặc phía trong và ngoài sân khu xử lý rác.

Tại thời điểm PV ghi nhận, khoảng 10h00 sáng, cột khói từ lò đốt rác thải ra đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc.

Qua tìm hiểu được biết từ năm 2008 đến 2013, Công ty Môi trường đô thị Từ Sơn là đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt của phường Đình Bảng đến các bãi rác tập trung của tỉnh Bắc Ninh để chôn lấp. Những bãi rác tập trung nhanh chóng trở thành những dãy núi cao ngất, bốc mùi và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị, tháng 12 năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho đóng cửa các bãi rác tập trung này để xử lý đồng thời đồng ý để mỗi huyện, thị xã xây dựng, lắp đặt một lò đốt rác thải sinh hoạt để xử lý rác tạm thời.

Để xác minh thông tin phản ánh từ người dân và tìm hiểu về tình trạng rác thải từ lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, ngày 7/6/2019 PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường. Trao đổi với PV, bà Cao Thị Hồng Liên – Phó chủ tịch UBND phường Đình Bảng, cho biết: “Trước khi xây dựng lò đốt rác, UBND phường đã tiến hành xin ý kiến của người dân thông qua họp khu phố và đã nhận được sự đồng thuận của người dân, sau đó đề xuất lên trên để xây dựng lò đốt rác. Tuy nhiên, do tính cấp bách của dự án để giải quyết vấn nạn rác thải ngày một tăng lên, phường vừa lắp đặt vừa hoàn tất hồ sơ pháp lý. Do đó, trong thời gian đầu hoạt động, lò đốt vẫn trong tình trạng hở mái cùng với việc phải xử lý tình trạng ùn ứ rác tồn đọng trước đó nên vấn đề khói và mùi hôi thối từ rác thải là không thể tránh khỏi. UBND phường cũng đã nhận được những đơn thư phản ánh của người dân và nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng, lắp đặt. Từ khi xây dựng hoàn tất, phường không nhận được bất kỳ đơn thư phản ánh nào của người dân”.

Cũng theo bà Liên, phường đã tiếp nhận lò đốt rác với công nghệ lò đốt NFI-05 đi vào hoạt động từ tháng 2 năm 2014, với diện tích 0.3ha do UBND phường Đình Bảng trực tiếp quản lý. Với công suất từ 350 – 500kg/h, trong khoảng 2 năm đầu lò đốt gần như 24/24h để xử lý vấn đề rác thải tồn đọng, sau đó thì giảm lại thành 2 ca/ngày (kéo dài từ 6h – 22h). Do lượng rác thải phát sinh ngày một nhiều, lò đốt rác công suất nhỏ không xử lý hết được. Vì vậy, tới tháng 4 năm 2019, UBND phường Đình Bảng đã tiếp nhận đơn vị xã hội hóa đầu tư lắp đặt lò đốt rác với công suất lớn hơn (2.000kg/h), để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt ngày một tăng.

Lò đốt rác phường Đình Bảng, công nhân làm việc khi không có đồ bảo hộ lao động.

Theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới và Thông tư Liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN-MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới nêu rõ, khoảng cách từ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đến khu dân cư phải cách ít nhất 3.000m và với các công trình xây dựng khác là trên 1.000m.

Tuy nhiên, qua quan sát vị trí khu lò xử lý rác thải của phường, PV nhận thấy, lò đốt rác được đặt sát khu ký túc xá của công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, chỉ cách một bờ tường rào chưa đầy 50m. Ngoài ra còn có các Công ty Thương mại và sản xuất Anh Hoàng, Công ty TNHH Sản xuất bao bì Hoàng Thành, Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (tất cả các công ty đều nằm trong Cụm công nghiệp Đa nghề Đình Bảng). Như vậy, khu xử lý rác thải phường Đình Bảng không đạt tiêu chí về khoảng cách trong việc quy hoạch. Trong khi đó công nhân lao động tại khu xử lý rác thải không mặc đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại lò.

Lò đốt rác cách khu ký nhà ở của cán bộ, công nhân của Doanh nghiệp chưa đầy 50m, chỉ qua một bức tường rào!

Trả lời câu hỏi của PV về việc xây dựng lò đốt rác ngay sát với khu công nghiệp đa nghề phường Đình Bảng, bà Liên cho biết: “Nếu chiếu theo quy định xây dựng khu xử lý rác thải thì đối với một tỉnh đất chật, người đông như Bắc Ninh khó tìm được địa điểm nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên. Do đó, việc xây dựng lò đốt rác hiện nay tại nghĩa trang nhân dân (An Lạc Viên) phường Đình Bảng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi hiện nay các đơn vị đều rất khó khăn trong việc bố trí, xác định vị trí để làm bãi rác tạm hoặc khu vực chôn lấp rác thải dân sinh vì nguồn quỹ đất không có hoặc không bố trí được do nhân dân không đồng tình với chủ trương xây dựng các điểm xử lý rác”.

Bà Liên cũng chia sẻ thêm: “Đó cũng là khó khăn mà phường Đình Bảng đã và đang gặp phải, để chọn một địa điểm phù hợp để đặt nhà máy xử lý rác không phải tìm chỗ nào cũng được. UBND phường Đình Bảng cũng đã đề xuất khảo sát địa điểm cụ thể vì Đình Bảng có nhiều khu di tích lịch sử không thể xây dựng lò đốt được và cũng không thể đặt gần khu dân cư. Duy nhất chỉ có mỗi địa điểm tại khu vực nghĩa trang nhân dân phường Đình Bảng là có mặt bằng để xây dựng lò đốt rác tạm thời”.

Nói về việc xây dựng lò đốt rác ngay sát với khu ký túc xá của Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, bà Liên cho biết: “Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch từ trước, khi tìm địa điểm để làm bãi rác tạm UBND Phường đã chọn khu vực trống ở nghĩa trang do không tìm được địa điểm nào thích hợp hơn; việc Công ty xây ký túc xá cho công nhân, UBND phường không biết”.

Tuy nhiên, theo PV tìm hiểu thì một số người dân và công nhân cho biết ký túc xá của Công ty được xây dựng từ khoảng năm 2006, tức là từ trước khi phường Đình Bảng tiến hành xây dựng, lắp đặt lò đốt rác. Khi PV hỏi về bản đồ quy hoạch, kết quả đánh giá tác động môi trường của lò đốt rác thì bà Liên cho biết, Phường không có bản đồ quy hoạch hay làm đánh giá tác động môi trường vì đây chỉ là phương án xử lý tạm thời, chỉ có văn bản đồng ý khảo sát cho phép xây dựng tạm thời trong khi chờ Dự án quy hoạch chi tiết khu xử lý rác thải tập trung ở Tam Sơn. Theo kế hoạch dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng, xây dựng năm 2016, tuy nhiên do vấp phải sự phản đối của người dân nên đến giờ vẫn không thể tiến hành. Mặc dù Phường đã nhiều lần đề xuất nhưng chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV, một người dân sống ngay lò đốt rác cho biết: Mỗi khi có gió Nam thổi thốc vào làng đủ mùi khói, hôi thối. Mặc dù việc xây dựng lò đốt rác đã giải quyết phần nào vấn đề rác thải tại địa phương. Tuy nhiên, việc đặt khu xử lý rác quá gần khu dân cư cũng như các công ty thuộc Cụm công nghiệp Đa nghề phường Đình Bảng không chỉ gây ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất kinh doanh của các công ty trong Cụm công nghiệp, đặc biệt là Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà – Một công ty chuyên sản xuất hàng nông sản sinh thái xuất khẩu với gần 200 công nhân sống gần đó bị ảnh hưởng lớn sức khỏe, đời sống của công nhân và người dân địa phương quanh khu vực lò đốt.

Thiết nghĩ, trước những vấn đề nan giải của việc không có địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, cùng những ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đang trực tiếp tác động tới đời sống của các công nhân Cụm công nghiệp Đa nghề phường Đình Bảng và nhân dân quanh khu vực lò đốt rác thì cần phải có hướng đi mới trong việc giải quyết triệt để vấn đề rác thải.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Thạch Thảo – Văn Trì