BVR&MT – Làng Dao là ngôi làng cuối cùng của huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đã có điện. Người làng không còn mòn mỏi cảnh ngóng điện như cách đây nhiều năm nữa.
10 năm ngóng điện
Làng Dao ở thôn 3 (xã Ia Dom, huyện biên giới Ia H’Drai, Kon Tum). Đây là ngôi làng có khoảng 75 hộ, với trên 220 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Dao, di cư từ huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk sang từ năm 2010.
Gần 3 tháng qua khi điện về làng, người dân đã thực sự thấy “ánh sáng”. Trong niềm hồ hởi của mình và người làng, ông Trần Thanh Quảng (sinh năm 1972, trú làng Dao, thôn 3, xã Ia Dom) kể lại, ông là một trong số ít những hộ dân đã sinh sống tại điểm làng này từ năm 2010. Đã hơn 10 năm nay, gia đình và nhiều người khác phải sử dùng bình ắc quy để thắp sáng cũng như phục vụ các sinh hoạt khác trong gia đình. Nhiều hộ gia đình người Dao khác khi di cư từ Đăk Lăk sang cũng phải chịu chung cảnh “đèn dầu” nhiều năm qua. Ngày ngày, họ nhìn sang phía xã Ia O (huyện Ia Grai) của tỉnh Gia Lai bên cạnh, hay đêm đêm họ nhìn ánh điện hừng lên phía trung tâm xã cách vài km mà ao ước. Cái tên “xóm đèn dầu” đã chết tên với làng Dao mấy năm rồi. Họ chỉ thèm thấy đường dây điện lưới quốc gia đi ngang qua làng.
Ông Trần Thanh Quảng kể, người làng Dao khi di cư sang đây vốn chịu khó, nhưng trường học có, đường có, trạm có, chỉ thiếu mỗi cái điện mà thôi. Mấy năm rồi từ khi về làng mới, cái điện vẫn chưa chịu theo về với người dao về làng. Không có điện, những năm đầu người làng dùng bếp củi, đốt đèn dầu. Lũ trẻ mỗi tối học bài cũng chong đèn dầu lên. Người lớn chẳng có cái ti vi để xem tin tức, chẳng có cái gì để xem xã hội bên ngoài phát triển tới đâu để học hỏi nên cứ quanh quẩn ngày ngày lên nương lên rẫy, tối về làm vài ly rượu rồi chui vào ngủ cho tới sáng mai. Điện thoại di động có đấy, nhưng không có cái điện để sạc pin nên chẳng dám mở điện thoại nhiều, làm từ sáng tới tối, chạy sang làng khác nhờ sạc cái pin cho đầy để có điện thoại liên lạc là chính chứ chẳng dám mở máy lên mạng, chẳng dám xem gì trên điện thoại.
Nhà bên kia đang le lói bỗng ánh sáng tắt phụt. Tiếng trẻ con ré lên vì sợ hãi. Rồi vài phút sau họ sang nhà Bích xin ít dầu về thắp sáng. Hôm nay nhà bên ấy hết dầu mà không kịp đi mua, đang đốt đèn nửa chừng thì hết dầu nên đèn tắt, đứa con nhỏ sợ bóng đêm nên khóc. Bích rót đầy cái chai dầu diezen cho hàng xóm từ cái can dầu 10 lit rồi quay lại giãi bày: “Người làng mình thương nhau lắm, có gì cũng san sẻ cả. Nhà có giúp nhà không, cùng nhau làm ăn đầm ấm thuận hòa là được! Hồi trước không có điện thì mù tịt chẳng biết gì để làm ăn hết!”.
Theo lời kể của ông Quảng, thì những ngày ấy vào buổi tối, tiếng côn trùng rỉ rả xen lẫn tiếng bi bô học bài của lũ trẻ và tiếng vỗ muỗi đen đét, cùng tiếng rầm rì trò chuyện của những người đàn ông và những người đàn bà. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chuyện con cái học hành, chuyện con trâu mảnh rẫy, và chuyện bao giờ có điện cho bằng cái làng bên.
Ông Quảng bảo, hồi tết vừa rồi, khi ánh chiều nhập nhoạng buông xuống mép làng, nhiều người làng mong có điện lắm! Cho lũ trẻ học trong cái điện sáng đỡ hư con mắt, cho người làng xem cái ti vi, xem chủ trương của nhà nước, xem cách làm giàu của làng khác mà học tập mới mau khá được.
Còn ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai thì cứ đau đáu mãi. Làng Dao này là làng mới thành lập được vài năm và chủ yếu là người Dao sinh sống. Họ đa phần là hộ nghèo, mỗi tháng được trợ cấp gần 150.000đ/khẩu. Tiền đó chỉ đủ để mua dầu thắp, mua xăng chạy máy nổ một hai tiếng mỗi ngày. Mà cả làng chỉ có 2 cái máy phát điện, không đủ để thắp sáng cho cả làng. Chỉ vài chục nóc nhà có chiếc bóng 15W và bật lên chừng hai tiếng mỗi tối để ăn cơm, nói chuyện. Sau đó thì lại điệp khúc đèn dầu. Còn lại vẫn nghèo. Và làng Dao là làng cuối cùng của xã, của tỉnh này vẫn chưa có điện. Nhiều lần đã kiến nghị, đã đề xuất, các đoàn đã về khảo sát nhưng người làng vẫn cứ chờ.
Điện về bản nhỏ
Nhưng rồi, khao khát của ông Quảng, của ông Chủ tịch xã, của người dân làng Dao đã thành hiện thực. Ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom bồi hồi chia sẻ. Do làng mới hình thành nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum. Làng Dao thuộc xã Ia Dom (huyện mới H’Drai, Kon Tum). Huyện mới H’Drai là một huyện mới thành lập vào tháng 3/2015 trên cơ sở tách 3 xã của huyện Sa Thầy, bao gồm xã Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi. Chính vì thế nên đời sống ở làng Dao còn rất nhiều khó khăn. Dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng, hệ thống đường dây điện chưa được đầu tư xây dựng. Trước đây, để thắp sáng cho sinh hoạt hằng ngày, người dân phải sử dụng điện từ máy phát, từ những thủy điện mini nhỏ tự chế, với “định mức” 2-3 giờ đồng hồ/ngày.
Tuy nhiên, nguồn điện chạy bằng sức nước này vô cùng yếu, lại hay chập chờn. Vì vậy, nhiều khi chẳng đủ nguồn để thắp sáng bóng điện. Vào mùa khô, nguồn nước cạn dòng thì không chạy được nữa. Đến mùa mưa, nếu không nhanh tay cất đi thì sẽ bị dòng nước lũ cuốn trôi mất. Nguồn ánh sáng này không thể bảo đảm cho sinh hoạt tối thiểu của người dân và cũng vì những lý do trên mà các thiết bị điện thông thường trong cuộc sống như nồi cơm điện, quạt máy, ti vi, thậm chí cả hệ thống phát thanh cũng trở nên xa xỉ với bà con nơi đây. Vì vậy, nhiều năm nay, người dân làng Dao vẫn mong đợi một ngày nào đó, dòng điện quốc gia sẽ đến để đem văn minh về cho làng.
Không điện, các hộ dân làng Dao gần như chỉ biết bấu víu vào rừng núi. Thế nên hệ thống điện lưới được đầu tư xây dựng đã giúp cuộc sống người dân thay đổi. Và những ngày giữa năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song Công ty Điện lực Kon Tum và Tổng công ty Điện lực miền Trung đã thực hiện khảo sát, bố trí kinh phí và nhân lực, đưa điện về với làng. Theo đó, đơn vị đã đầu tư gần 16 km đường dây 22kV và một Trạm biến áp 100kVA – 22/0,4kV, nối với hệ thống đường điện từ huyện Sa Thầy về, với tổng kinh phí 16,7 tỷ đồng. Nhờ đó, tháng 6/2021, Trạm biến áp của làng chính thức đóng điện, giúp bà con nhân dân trong làng có điện để sử dụng.
Theo ông Nguyễn Phong Lưu, Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum, phụ trách Điện lực Ia H’Drai cho biết: “Nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân huyện Ia H’Drai, tỉnh Kom Tum đã lên kế hoạch kéo lưới điện về tận buôn làng. Kế hoạch nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 của quốc gia. Điểm làng Dao (thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) là điểm làng cuối cùng của tỉnh huyện Ia H’Drai được sử dụng điện lưới Quốc gia. Khi triển khai dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa của huyện, chính quyền địa phương và ngành điện đã hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới”.
Và làng Dao đã có điện cách đây hơn 3 tháng. Ông Quảng mừng rỡ khoe: “Từ ngày có điện, bà con chúng tôi được tiếp cận rất nhiều kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp như trồng rừng, trồng sắn, làm lúa nước, trồng và thu hoạch cà phê trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó mà hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ nét, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Có điện về bản, đời sống người dân đã tươi sáng hơn trước”. Và ông Quảng, cũng như nhiều người dân khác trong làng đã mua ngay một chiếc tivi cho lũ trẻ xem lúc rảnh rỗi sau giờ học. Tối tối, ông lại cùng nhiều người khác ngồi xem thời sư, xem các chương trình khuyến nông, cùng bàn cách làm ăn. Ông còn mua cả tủ lạnh, tủ đông để trữ đồ ăn, đông lạnh các loại hải sản bắt được trên sông Sê San hay từ suối Ia Krel để bán cho người qua đường đi trên QL 14C dọc biên giới.
Nhiều người đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở dịch vụ xay xát lúa bằng máy điện, mở xưởng cơ khí vừa và nhỏ để phục vụ nhân dân trong vùng, đồng thời phát triển kinh tế. Đồng thời, việc tiếp cận với các chương trình khuyến nông khuyến lâm từ các kênh thông tin Quốc gia đã khiến người dân nơi đây mở ra những hướng đi mới trong việc áp dụng điện để đa dạng hóa phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống gia đình, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. Điện về làng Dao không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà còn mở ra niềm hy vọng, hứa hẹn giảm đi cái đói, cái nghèo từng bám lấy người dân nơi đây.
Ông Võ Tấn Lạc hồ hởi, bởi làng Dao được cung cấp điện lưới quốc gia không chỉ giúp cho bà con nhân dân tại làng bớt khó khăn, có điện để sử dụng, mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là với xã biên giới giáp với nước bạn Campuchia này.
Và bây giờ làng Dao khác hơn trước nhiều lắm, nhiều nhà đã có tivi, đường làng sáng trưng ánh điện mỗi đêm, lũ trẻ sẽ học và chơi trong ánh điện. Từ khi có ánh điện, làng Dao như sôi động hẳn lên. Tôi nhìn trong mắt người làng Dao, thấy trong mắt họ hấp háy niềm hy vọng đổi thay cho mai này.
Tiêu Dao – Nguyễn Bình