Diện tích rừng ở các vùng khô cằn cao hơn dự tính

BVR&MT – Bằng việc phân tích các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về các vùng đất khô cằn của Trái Đất, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các vùng đất khô cằn chiếm diện tích rừng lớn hơn nhiều so với những tính toán trước đây. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science cho hay.

Với phương pháp mới là phân tích các bức ảnh nhờ chất lượng của điểm ảnh và tần suất chụp, các nhà khoa học từ 15 cơ quan nghiên cứu khác nhau đã phát hiện ra 467 triệu ha rừng ở các vùng đất khô cằn chưa từng được chú ý.

Theo nhóm các nhà khoa học, độ che phủ rừng của thế giới phải tăng 9% hoặc hơn – con số này đủ để ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ carbon toàn cầu,  và mở ra cánh cửa mới về bảo tồn rừng ở các khu vực khô cằn.

Ông Jean François Bastin, chuyên gia sinh thái học viễn thám, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), tác giả chính nghiên cứu chia sẻ nhóm nghiên cứu của ông cũng đã “ngạc nhiên và choáng váng” khi phát hiện ra diện tích rừng ở các khu vực khô cằn. Như vậy, toàn thế giới có tới 1.079 triệu ha rừng ở các vùng khô cằn, cao hơn 40-47% so với các ước tính trước đó.


Mức độ bao phủ của vùng đất khô cằn và độ che phủ của Trái Đất 2017 (Ảnh từ nghiên cứu: Bastin và cộng sự)

Trái Đất có tới 41% diện tích đất mà ở đó nước bay hơi, trực tiếp hoặc qua thoát hơi nước ở thực vật, cao hơn lượng mưa rơi xuống. Các vùng đất này trải dài từ vùng nhiệt đới đến các khu vực vĩ độ cao ở cả bán cầu Bắc và Nam. Tuy nhiên, các nhà sinh thái học chủ yếu quan tâm đến diện tích rừng mưa nhiệt đới hoặc rừng taiga vì chúng bao phủ các khu vực rộng hơn rừng ở các vùng đất khô cằn.

Ông Bastin nhận định mọi người đều đang cố gắng tìm cách để bảo tồn rừng, khôi phục rừng nhưng lại thường bỏ qua rừng ở các vùng đất khô cằn. Trên thực tế, hóa ra vùng rừng khô hạn có diện tích tương đương với vùng rừng nhiệt đới. Theo con số thống kê năm 2000, rừng nhiệt đới che phủ 1.156 triệu ha bề mặt Trái Đất.

Một phần lý do rừng ở các vùng đất khô cằn thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu trước đây là vấn đề phương pháp luận. Trong cách tiếp cận “cổ điển”, các nhà khoa học thường định lượng độ che phủ rừng dựa vào “tín hiệu” về thực vật để xác định sự tồn tại của rừng, sau đó sử dụng các mô hình để tính toán diện tích đất rừng. Theo ông Bastin, cách tiếp cận này chỉ có hiệu quả đối với các khu vực rừng đồng đều hơn, đối với các vùng đất khô cằn, phương pháp đánh giá này có nhiều hạn chế.

Rừng bạch đàn ở Pilbara, Tây Úc (Ảnh: TERN Ausplots)

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã rà soát 213.795 ô đất mẫu có diện tích 0,5 ha và đếm các cây riêng lẻ từ các hình ảnh có độ phân giải 1m (39 inch) trở xuống. Phương pháp này giúp nhóm nghiên cứu tính toán được cả các vùng rừng bị bỏ qua dựa theo phương pháp tiếp cận truyền thống ở trên.

Ngoài chỉ số về diện tích rừng và cây che phủ, các nhà khoa học còn đánh giá 70 thuộc tính khá nhau từ phân tích các hình ảnh như vị trí của các con đường, khu dân cư và diện tích đất nông nghiệp.

Rừng cây baobap ở gần Morondava, Madagascar (Ảnh: Rhett A. Butler)

Theo ông Bastin, thông tin đáng chú ý nhất từ việc phân tích là sự khác biệt về độ che phủ của rừng ở các khu vực khô hạn so với những thông tin trước đây, giúp nhóm nghiên cứu đưa ra con số về độ che phủ rừng toàn cầu một cách chính xác hơn. Tuy nhiên, dữ liệu chi tiết về các thuộc tính khác chắc chắn cũng sẽ hữu ích cho các nghiên cứu trong tương lai.

Ông Bastin cho rằng những vùng rừng khô cằn cần được quan tâm nhiều hơn. Kết quả tính toán mới này có nghĩa là trữ lượng carbon toàn cầu cao hơn 20% so với những gì chúng ta nghĩ nhờ phần tăng diện tích che phủ rừng ở các vùng đất khô hạn.

Các tác giả nghiên cứu đều đồng tình rằng việc cải thiện vai trò của rừng ở các vùng khô cằn có thể đưa tới các giải pháp “giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái mang lại sinh kế cho người dân”.


Rừng baobab (Adansonia spp.)  ở Senegal vào mùa khô. (Ảnh: FAO / Faidutti)

Dương Phương Thảo (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ