BVR&MT – Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.
Xử lý rác sinh hoạt ở đô thị là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tại nhiều nước đang phát triển việc quản lý chất thải rắn có thể tiêu tốn 20-50% ngân sách, một con số gây sốc.
Lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025.
Chất thải độc hại từ các thành phố đã đủ để lấp đầy một dòng xe chở hàng dài 5.000 cây số mỗi ngày.
Chi phí toàn cầu cho việc đối phó với tất cả những thùng rác đó cũng tăng lên, từ 205 tỷ USD trong năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025.
Từ chôn lấp đến điện rác
Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày.
Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.
Chôn lấp rác là công nghệ lạc hậu, tốn đất và gây ra nhiều tác hại, tạo ra nguy cơ cháy; ô nhiễm nước ngầm; phát tán khí metal; gây bệnh cho người lao động và người sống xung quanh; thu hút các loài động vật (chó, chim, động vật gặm nhấm, côn trùng)…
Việc chôn lấp rác ngoài tác động xấu đến môi trường thì còn phải đối mặt với sự phản đối của người dân ở gần khu xử lý rác, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển ngày một tăng trong khi tài nguyên rác bị lãng phí.
Theo các chuyên gia về môi trường và điện năng, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi…
Công nghệ điện rác có hai phương án chính.
Phương án 1, sản xuất khí nhiên liệu để đốt trong các động cơ đốt trong và chạy máy phát điện. Chất thải khó phân hủy được tạo thành viên nhiên liệu và đốt trong các lò khí hóa để sinh ra nhiên liệu khí dưới dạng khí đốt tổng hợp (syngas).
Chất thải dễ phân hủy được đưa vào hầm ủ sinh khối để sản xuất ra khí đốt dưới dạng khí sinh học (biogas).
Trước tiên, rác được phân loại trên dây chuyền, tách chất thải chung thành chất thải phi nhiên liệu (đất đá, chai lọ, sắt thép) và chất thải nhiên liệu (chất thải cháy được).
Sau đó, chất thải nhiên liệu được phân loại thành chất thải khó phân hủy (nilon, cành cây, gỗ, giấy…) và chất thải dễ phân hủy (thực phẩm, rau…).
Hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các công nghệ dạng này thường chỉ đạt được dưới 20%, vẫn mang tính thử nghiệm và chưa được thương mại hóa ổn định với công suất lớn.
Còn ở phương án 2, rác thải khi đưa về nhà máy chỉ cần được loại bỏ các chất thải phi nhiên liệu cỡ lớn dễ tách biệt, sau đó tập trung trong bể chứa rác kín.
Trong quá trình ủ từ 12-15 ngày, các chất hữu cơ trong rác tiếp tục bị phân hủy, hình thành nước rỉ rác, sau đó nước được tách ra tại đáy bể theo một quy trình riêng biệt bao gồm các quá trình xử lý yếm khí, hiếu khí, lắng, lọc.
Nhiệt thừa trong quá trình đốt tiêu hủy rác sẽ được tận dụng để đun nóng nước, qua đó sinh hơi và chuyển sang tua bin để sản xuất ra điện năng như các nhà máy nhiệt điện khác.
Công nghệ này không cần phân loại rác thải, diện tích nhà máy xử lý không quá lớn, hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn so với công nghệ theo phương án 1, tuy nhiên cũng chỉ dao động ở mức từ 25-30%.
Điểm hạn chế của công nghệ này là chi phí đầu tư lớn, hệ thống xử lý môi trường cũng tốn kém, tính khả thi cao hay thấp tùy thuộc vào thành phần rác thải.
Kinh tế và môi trường – nghiêng sang đâu?
Trong cuộc họp báo tháng 7/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận rằng việc xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, là vấn đề rất nóng.
Định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý chất thải rắn là khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, trong đó có điện rác.
Theo ông Hoàng Văn Thức, để “dòng chảy” rác đô thị không bị nghẽn thì phải thông suốt ở tất cả các khâu: quy hoạch-công nghệ-nhân lực. Chỉ cần tắc một khâu là nghẽn toàn bộ dây chuyền.
Tại khâu quy hoạch, điểm nghẽn là khó tìm được địa điểm thích hợp cho các bãi tập kết rác, địa điểm xây dựng nhà máy điện rác. Nhà quy hoạch, chủ đầu tư thường không tìm được tiếng nói chung với người dân địa phương.
Người dân vốn có ấn tượng tiêu cực với các bãi rác nên họ không muốn ở gần bất kỳ dự án xử lý rác nào, dù là theo công nghệ chôn lấp hay đốt cháy thu năng lượng.
Một số doanh nghiệp có ý định đầu tư vào các dự án điện rác nhưng sau khi vấp phải sự “lạnh nhạt” của các địa phương thì đã rút lui.
Về mặt chính sách, cơ chế cũng có một số vướng mắc. Các doanh nghiệp đánh giá thủ tục đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất phức tạp, có khi kéo dài hàng năm, cần sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành, trong đó có đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện…
Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.
Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện. Tuy nhiên, các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch điện lực nên nhiều dự án gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch của ngành điện.
Các chuyên gia kiến nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư -PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.
Chỉ khi cơ chế rộng mở, thủ tục hành chính đơn giản thì mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn.
Tại Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, một số nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động. Một số dự án đang được triển khai gồm cơ sở ở Vĩnh Tân (Đồng Nai) với công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; cơ sở ở Sóc Sơn (Hà Nội) với công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; cơ sở ở Phù Ninh (Phú Thọ) với công suất 500 tấn/ngày; hai cơ sở tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn/ngày…
Tuy vậy, việc thu hút nhà đầu tư vào các dự án điện rác không đơn giản. Nhiều dự án điện rác ở Việt Nam “đứt gánh giữa đường” do công nghệ đòi hỏi khoản kinh phí quá lớn (thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư) và khó thích ứng với thực tế ở nước ta là rác không được phân loại ngay từ đầu nguồn. Các dự án đã được hoàn thành thì hiệu quả kinh tế đều không cao.
Theo dữ liệu ban đầu của một số dự án tại Việt Nam đã được phê duyệt và chờ phê duyệt, suất đầu tư cho các nhà máy điện rác nằm trong khoảng 3,5-4 triệu USD/1MW điện.
Điểm chung của các dự án này là chi phí vận hành lớn, cần bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than.
Trong khi đó, dù sử dụng loại công nghệ theo phương án nào thì hiệu suất điện năng của các nhà máy điện rác đều ở mức nhỏ (cao nhất cũng chỉ là 30%). Do công suất điện phát lên lưới quốc gia cũng sẽ nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường chậm, từ 10-20 năm.
Các nhà đầu tư điện rác cũng từng đề xuất về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 5% trong 9 năm tiếp theo và từ năm thứ 15 trở đi thì được hưởng thuế suất 10%.
Trong Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam” ngoài quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn còn có quy định về ưu đãi về vốn đầu tư, thuế; ưu đãi về đất đai; hỗ trợ giá điện.
Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển công nghệ xử lý rác hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh định hướng, chính sách vĩ mô thì còn cần sự vào cuộc quyết liệt trong từng dự án cụ thể từ phía các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và cả người dân.
Chúng ta hiểu rằng so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác (thủy điện, nhiệt điện than…), đốt rác phát điện không thể chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng. Cần nhìn nhận sự việc theo góc độ sinh thái-đốt rác và tận dụng nhiệt thải để phát điện, trước hết là một giải pháp giúp cho quá trình xử lý rác thải được hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.
Ngay trong việc thu phí rác thải ở nước ta hiện nay vấn đề “hoạch toán” cũng không là yếu tố chính bởi thu không đủ chi.
Theo WB, mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi “nhẽ ra” mức phí phải chiếm từ 1-1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình.
Đồng thời, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Ví dụ, tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) phí rác tối đa là hơn 103 tỷ đồng/năm nhưng số tiền thu được trên thực tế chỉ là 65,8 tỷ đồng/năm, bằng 64%.
Trong việc đánh giá hiệu quả của công nghệ điện rác giá trị kinh tế nên được đặt sau giá trị bảo vệ môi trường. Nếu không đẩy nhanh tỷ trọng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt, mà chỉ trông chờ vào kiểu chôn lấp truyền thống thì tình trạng “ứ rác” như tại Hà Nội trong trung tuần tháng 7 vừa qua vẫn có nguy cơ “đến hẹn lại lên” dù không ai “ra ngó vào trông”.