Diễn đàn Môi trường 2022: Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp

BVR&MT – Quản lý chất thải hiệu quả tại các doanh nghiệp là cơ sở để hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, gia tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang và tái chế.

Quang cảnh diễn đàn.

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2022, với chủ đề “Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp”. Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối hơn 70 điểm cầu các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trên khắp cả nước.

Diễn đàn nhằm phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành toàn diện từ 1/1/2022, qua đó định hướng các địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, đầu tư, xử lý chất thải hướng đến phát triển bền vững.

Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường, đồng thời là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002-5/8/2022).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong.

Tiến sĩ Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Hưng cho biết, thông qua diễn đàn, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mong muốn góp phần truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì cuộc sống xanh cho cộng đồng xã hội.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thông tin về những điểm mới mang tính đột phá trong quản lý và xử lý chất thải được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt là của chủ nguồn thải, tức là người dân và doanh nghiệp. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật là dành ưu tiên số một cho việc tận dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn để xác định những thành phần có ích trong chất thải để tái sử dụng, tái chế.

Bên cạnh đó, khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng, đồng thời đề cao vai trò của cộng đồng trong giám sát quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Trong phần tham luận, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xử lý chất thải giới thiệu các mô hình tiên tiến, công nghệ hiện đại, các giải pháp trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn và rác thải sinh hoạt.

Thông điệp của Diễn đàn Môi trường năm 2022 là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong sản xuất kinh doanh để bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân.