Dịch Covid-19: Dân nông thôn Ấn Độ nhịn đói qua ngày, nợ nần chồng chất

BVR&MT – Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã hứa cung cấp ngũ cốc, lương thực miễn phí cho người nghèo chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng khẩu phần ăn có hạn và không đủ cho gia đình.

Tỷ lệ thất nghiệp cùng thu nhập của khu vực nông thôn Ấn Độ suy giảm mạnh do Covid-19. Ảnh: The Guardian

Những buổi nhịn đói qua ngày

Asha Devi không còn nhớ nổi mình đã nhịn bao nhiêu bữa cơm, trong bối cảnh vật lộn để gia đình 7 người của cô có thể sống qua ngày trước những tác động của đại dịch lên các vùng nông thôn Ấn Độ ngày càng tàn khốc.

Người phụ nữ Ấn Độ 35 tuổi đã phải cầm cố mảnh đất của mình cho khoản nợ trị giá 270 USD. Sau 6 tháng, tiền cạn kiệt, cô đã không còn đủ khả năng mua sữa, giảm tối đa dầu ăn và chỉ có thể mua đậu lăng 10 ngày một lần.

Người chồng làm công nhân xây dựng thất nghiệp do đại dịch, khiến gia đình của Devi đứng trước cảnh nợ nần ngày càng chồng chất.

“Đôi khi tôi chịu đói đi ngủ. Tuần trước, tôi chỉ nhớ mình đã phải nhịn bữa tối đi ngủ ít nhất 2 lần, nhưng cũng không nhớ chắc chắn”, Devi lôi chiếc sari xơ xác lên lau nước mắt khi chia sẻ với Reuters.

Devi cho biết, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã hứa cung cấp ngũ cốc lương thực miễn phí cho người nghèo nhưng khẩu phần ăn có hạn và không đủ cho gia đình.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hàng triệu người phải bỏ việc làm ở các thành phố và thị trấn, buộc phải trở về các vùng quê và lâm vào nợ nần do suy giảm thu nhập.

Các cuộc phỏng vấn với 75 hộ gia đình trong một cụm 8 ngôi làng ở bang đông dân nhất của Ấn Độ cho thấy thu nhập của họ đã giảm trung bình gần 75%. Gần 2/3 số hộ gia đình được hỏi cho biết họ mắc nợ.

Chồng của Devi từng có công việc xây dựng ở bang Punjab phía tây bắc Ấn Độ và trở thành trụ cột gia đình, nhưng hiện anh đang thất nghiệp.

Cuộc khảo sát cho thấy khoản vay đã tăng gấp 3 lần kể từ khi đại dịch xảy ra vào tháng 3 năm 2020, và khoảng một nửa trong số đó đã được đưa ra trong 6 tháng qua.

Không có việc làm hoặc những người mắc bệnh phải nghỉ việc, thu nhập tích lũy hàng tháng của 75 hộ gia đình đã giảm xuống còn khoảng 220.000 rupee (2.960 USD) từ mức 815.000 rupee (10.960 USD) trước đại dịch.

“Hầu như tất cả mọi người đều mắc nợ ở ngôi làng này… thất nghiệp là vấn đề lớn nhất”, Komal Prasad 55 tuổi – cựu trưởng làng Gauriya, một ngôi làng trong cụm với dân số chỉ hơn 2.000 người, cho biết.

Dân làng cho biết chỉ có khoảng 30% người dân ở Gauriya có việc làm hoặc đang tìm việc làm, ít hơn nhiều so với trước đây.

Juggi Lal, một nông dân 35 tuổi, cho biết cô đang phải vật lộn để mua thuốc cho người chồng tàn tật của mình do không có việc làm và đang có khoản nợ 60.000 rupee (806 USD).

“Mỗi sáng thức dậy tôi đều nghĩ mình sẽ nhận được công việc gì, sẽ vượt qua một ngày như thế nào?”, theo Juggi Lal.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn Ấn Độ, từng dao động quanh mức 6% trước đại dịch, đã tăng lên 8,75% vào tháng 6, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) có trụ sở tại Mumbai.

Hiệu ứng gợn sóng

Sự kết hợp giữa thu nhập thấp hơn, nợ cao hơn và giá các mặt hàng chủ lực tăng cao đang làm giảm nhu cầu ở vùng nông thôn nơi 2/3 người Ấn Độ sinh sống.

Các nhà cung cấp cho biết, doanh số bán tất cả mọi thứ từ bánh quy, trà và đậu lăng cho đến phụ tùng ô tô đều giảm sút. Một số đã phải đóng cửa các cửa hàng mà gia đình họ đã kinh doanh qua nhiều thế hệ.

Gosh Mohammed, 43 tuổi, từng bán tới 8.000 rupee (107 USD) hàng tạp hóa một ngày trước đại dịch. Nhưng bây giờ doanh thu của của hàng đã giảm xuống 1.000 rupee (13,5 USD/ngày). Ông đang có khoản vay trị giá 60.000 rupee nhưng đã quá hạn 6 tháng mà không thể trả.