Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu tăng độ che phủ rừng trên 49,2%

BVR&MT – Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng độ che phủ rừng trên 49,2%.

Trải rộng trên diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh, phù hợp với hình thức du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Theo đó, Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt 47,75%; đến năm 2030 trên 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích); bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; phục hồi cơ bản diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

Nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, thực hiện điều tra, bảo tồn một số loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ; truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; triển khai đề án tổng thể phát triển du lịch của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; triển khai đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh và xây dựng phục vụ quản lý bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Giai đoạn 2026-2030, triển khai dự án diệt trừ, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại tại các Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia của tỉnh Gia Lai; xây dựng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.

Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm trên địa bàn tỉnh được phục hồi, bảo tồn thực sự có hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương); lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án có liên quan; thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng, dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái; đầu tư, đóng góp từ tổ chức, cá nhân; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức có hiệu quả một số chương trình, đề án, dự án được giao.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chủ trì, phối hợp với với các đơn vị có liên quan triển khai các cơ chế, chính sách có liên quan đến thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng, dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng phải có chương trình, dự án, kế hoạch và triển khai các biện pháp để tổ chức thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng trên địa bàn được giao quản lý. Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học. Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Cùng với đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và các cơ quan trực thuộc tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này với nội dung và hình thức phù hợp.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; huy động các nguồn lực khác để triển khai các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương. Chỉ đạo xây dựng, tổ chức Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học cấp huyện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động tham gia, giám sát hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học thuộc trách nhiệm quản lý; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.