Đếm tê giác Sumatra trong tự nhiên bằng cách nào?

BVR&MT – Phân tê giác Sumatra chính là câu trả lời có thể giúp các nhà nghiên cứu giải quyết câu hỏi kéo dài hàng thập kỷ về việc còn lại bao nhiêu cá thể tê giác cực kỳ nguy cấp trong tự nhiên. Đây là phát hiện từ một nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học từ Indonesia, Canada và Mỹ thực hiện.

Kết quả cho thấy ADN trong phân tê giác Sumatra có thể dự đoán một cách đáng tin cậy số lượng còn lại của loài và giúp cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch bảo tồn loài động vật đặc biệt quý hiếm này.

Uớc tính chỉ còn chưa đầy 80 cá thể tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) sống sót trong các khu vực nằm rải rác trên đảo Sumatra và Borneo của Indonesia. Tuy nhiên, con số này đang bị tranh cãi gay gắt vì nhiều chuyên gia cho rằng có thể không còn hơn 30 cá thể tê giác Sumatra trong tự nhiên.

Cá thể tê giác Sumatra tại Khu bảo tồn Tê giác Sumatra ở Vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia (Ảnh: Barney Long / Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu)

Đồng tác giả Jessica Brandt từ Đại học Illinois Urbana-Champaign, Hoa Kỳ cho biết phân tích phân là một phương pháp hữu ích vì tê giác sống trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp mà các nhà nghiên cứu rất khó đi qua. Ngoài ra, thực hiện theo cách này đòi hỏi ít tương tác với tê giác trong tự nhiên hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc lấy mẫu phân, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý một số thách thức của phương pháp này, đó là sự suy thoái nhanh chóng của ADN trong phân và khó xác định niên đại của nó. Vì vậy, các nhà khoa học đã xác định được cái gọi là dấu hiệu tế bào vi mô (microatellite) tức chuỗi ADN lặp lại để giúp phân biệt giữa các cá thể tê giác khác nhau.

Sử dụng 11 mẫu phân hoang dã, các nhà nghiên cứu có thể khuếch đại và xác minh trình tự ADN của từng cá thể.

“Bằng cách soi chiếu vào các dấu hiệu này, bạn có thể phân biệt các loài động vật vì tế bào vi mô tiến hóa rất nhanh và rất khác nhau trong các loài”, đồng tác giả Alfred Roca, Giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign cho biết.

Việc khuếch đại ADN từ các mẫu phân có thể hữu ích để thông báo cho các nhà quản lý bảo tồn về kích thước quần thể và đặc điểm di truyền của tê giác Sumatra hoang dã.

“Chúng tôi hy vọng có thể sử dụng những chỉ dấu trên nhiều mẫu phân được thu thập để cung cấp dữ liệu quần thể tê giác Sumatra trên toàn bộ các đảo, giúp Indonesia đề ra các chiến lược bảo tồn tốt hơn cho loài cực kỳ nguy cấp này”, Sinta Saidah, đồng trưởng tác giả và trợ lý nghiên cứu tại Viện Sinh học phân tử Eijkman ở Indonesia nói.

Indonesia là nơi ẩn náu cuối cùng của tê giác Sumatra. Trong lịch sử, quần thể của loài này đã bị tàn phá do nạn săn trộm và mất môi trường sống nhưng mối đe dọa chính ngày nay là tỷ lệ sinh sản thấp do môi trường sống bị chia cắt, có nghĩa là các cá thể đực và cái trong tự nhiên ít có khả năng gặp nhau và giao phối hơn.

Năm 2017, chính phủ Indonesia phát triển kế hoạch hành động khẩn cấp đối với tê giác Sumatra, bao gồm tăng cường bảo vệ môi trường sống của tê giác, khảo sát quần thể hoang dã còn lại và nuôi nhốt những cá thể có khả năng sinh sản và chuyển chúng đến các cơ sở nghiên cứu và nuôi nhốt như Way Kambas ở Sumatra và Kelian ở Borneo. Cơ sở thứ ba nằm ở phía bắc Sumatra hiện đang được phát triển.

Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất và nhiều lông nhất, là hậu duệ cuối cùng của loài tê giác lông mượt (Coelodonta antiquitatis) đã tuyệt chủng từ lâu. Loài tê giác này cũng là một “kỹ sư” quan trọng trong hệ sinh thái, giúp gieo rắc hạt giống và cắt tỉa thảm thực vật khi đi kiếm ăn.

Mai Lan (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ