BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trồng trọt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trồng trọt là ngành sản xuất quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp 71,5% GDP và xấp xỉ 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta.
Thành tựu của ngành Trồng trọt đã góp phần đưa Việt Nam sau 30 năm đổi mới từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực trở thành một nước đảm bảo đủ an ninh lương thực và là cường quốc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Sản xuất trồng trọt tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông sản thuộc lĩnh vực trồng trọt đạt 15,1 tỷ USD trong tổng số 32,1 tỷ USD giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của toàn ngành có 7 mặt hàng từ lĩnh vực trồng trọt đó là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu.
Tuy nhiên đến nay sản xuất trồng trọt bộc lộ nhiều hạn chế đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; sản xuất thiếu kế hoạch, việc lập và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả dẫn đến chưa cân đối được cung cầu, nông dân bị ép giá, thua lỗ; trình độ canh tác nhiều nơi còn lạc hậu, khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao chậm được ứng dụng, do đó chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đột phá; sản xuất thiếu liên kết bền vững, thị trường bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân…
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng của các quy định pháp luật hiện hành về trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã lạc hậu và rất nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Một số lĩnh vực quản lý chưa được đề cập trong các văn bản luật hoặc được điều chỉnh một phần trong các văn bản luật liên quan nhưng chưa cụ thể và phù hợp với đặc thù của ngành trồng trọt.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định như Hiệp định Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Khu mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì lĩnh vực trồng trọt cần được tạo lợi thế cạnh tranh, cần có hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển, phù hợp với các điều ước quốc tế, đi tắt đón đầu trong quá trình hội nhập.
Trồng trọt là ngành quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội vì vậy rất cần có một đạo luật hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ và thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu chỉ xây dựng Luật Giống cây trồng thì chưa đủ, chưa đáp ứng được được yêu cầu phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm vì còn một số lĩnh vực quan trọng như sản xuất kinh doanh phân bón mới được điều chỉnh ở mức Nghị định, canh tác trồng trọt chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh… nên hiệu quả quản lý trồng trọt chưa cao.
Về mặt hệ thống trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đã có các luật như: Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thú y và một số văn bản luật đang được trình Quốc hội thông qua như Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp. Do vậy để đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý của ngành thì cần xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt.
Với những phân tích trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Luật Trồng trọt và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trồng trọt và góp ý tại đây.