Đề xuất mới về tôn vinh danh hiệu doanh nhân, doanh nghiệp

BVR&MT – Bộ Nội vụ đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Dự thảo nêu rõ đối tượng được xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng gồm: Doanh nhân là người Việt Nam có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Nguyên tắc xét tôn vinh danh hiệu và trao thưởng là không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không hạn chế số lượng đối tượng tham dự. Việc tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải đảm bảo công khai, công bằng trên cơ sở tự nguyện của doanh nhân, doanh nghiệp và tuân thủ các quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Đặt danh hiệu và giải thưởng trái pháp luật, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam; huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng; lập hồ sơ không trung thực để đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.

Thời gian tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 2 năm một lần.

Thời gian tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cấp toàn quốc là 3 năm một lần.

Điều kiện tham dự của doanh nhân, doanh nghiệp

Theo dự thảo, các doanh nhân và doanh nghiệp được tham dự xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải thực hiện đúng các điều kiện theo ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp phép đầu tư.

Cụ thể, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, có thời gian hoạt động kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh từ 5 năm trở lên.

Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; có doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động…

Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng; được ưu tiên khi xét tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.