Đề xuất mở rộng cơ chế tín dụng, tăng hiệu quả đầu tư cho hợp tác xã

BVR&MT – Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, nhưng hoạt động của HTX còn nhiều khó khăn, tỉ lệ tiếp cận chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Chiều 8/11, Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới đã được diễn ra trên cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại Hội nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhận định: “Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng”.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.

Ông Lê Hải Bình đánh giá, qua quá trình phát triển, đặc biệt sau 2 năm chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 khu vực kinh tế tập thể, HTX nhìn chung đã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Phát biểu báo cáo phục hồi và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2022, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ước tính đến thời điểm cuối năm 2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã với tổng số vốn điều lệ đạt 54 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị tài sản đạt 187,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so năm 2021.

Bên cạnh những con số mang tín hiệu tích cực trên, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng gặp nhiều tồn tại, khó khăn. Trong đó phải kể đến quá trình chuyển đổi số của các HTX, LHHTX diễn ra chậm. Sự phục hồi và phát triển của HTX, LHHTX ở các địa phương chưa đồng đều, một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô.

Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến mức độ hưởng lợi còn thấp. Quy mô sản xuất tại một số nơi vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chứ gắn với nhu cầu của thị trường.

Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ ra những điểm khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

Toàn cảnh hội nghị.

Chia sẻ tham luận tại hội nghị, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Sunfood cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, do khả năng vốn hạn hẹp, HTX chỉ có thể làm mô hình mẫu trên khu vực sản xuất tập trung, việc triển khai đại trà tới các vườn trồng phụ thuộc phần lớn vào năng lực cũng như nhận thức của các hộ thành viên, từ đó dẫn đến quá trình chuyển đổi số không đồng bộ, hạn chế hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, do hệ thống kho bãi, dịch vụ giao hàng của HTX chưa tương thích, chưa đáp ứng với môi trường thương mại điện tử, vì vậy việc giao hàng cho khách hàng tiêu dùng trực tiếp còn hạn chế.

Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa HTX, THT với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; thực hiện chính sách xúc tiến thương mại và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có khoản mục riêng hỗ trợ HTX.

Đồng thời, ban hành, sửa đổi các quy định nhằm mở rộng cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho HTX và thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn vay vốn có hiệu quả từ tổ chức tín dụng và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; sửa đổi quy định cho phép Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng cho vay ngoài thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn.

Ngoài ra, Đại diện Liên minh HTX Việt Nam đề xuất, trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia có quỹ đất dành cho HTX phát triển vùng chuyên canh lớn, xây dựng Cụm công nghiệp chế biến, Trung tâm hỗ trợ phát triển HTX, đồng thời tăng cường quản lý thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho HTX được chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị.