Đề xuất hệ thống giám sát độc lập cho các tổ chức xã hội về thay đổi rừng

BVR&MT – Rừng là hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú, cũng là nơi sinh sống và sản xuất của người dân miền núi, cộng đồng dân cư sống chủ yếu dựa vào rừng. Việc tham gia quản lý, giám sát của mỗi cá nhân, tổ chức xã hội trong bảo vệ rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Xem thêm: Tăng cường sự tham gia và giám sát của các tổ chức xã hội và địa phương về thay đổi rừng

Phát triển sinh kế thời kỳ biến đổi khí hậu

Tham gia vào công tác bảo vệ rừng, cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội, cộng đồng và địa phương, đặc biệt chính là những người dân đang sinh sống tại rừng. Mới đây, một trong những Dự án của Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững thực hiện ở 06 tỉnh vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, đó là Dự án “Trao quyền cho các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện chương trình giảm phát thải của Việt Nam (ER-P)”, do Ngân hàng thế giới tài trợ thông qua Mạng lưới nông nghiệp bền vững và Tài nguyên thiên nhiên Châu Á, Nepal, được điều phối và thực hiện bởi trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019 đã đề xuất một Hệ thống giám sát độc lập của các tổ chức xã hội và cộng đồng về thay đổi rừng dựa trên việc phân tích các phương pháp giám sát thay đổi rừng hiện đang áp dụng tại Việt Nam, gọi tắt là hệ thống Terra-i.

Theo báo cáo của SRD, Dự án đã được triển khai ở 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình với 07 cuộc hội thảo. Với sự tham gia của 30 tổ chức xã hội và 299 người, trong đó có 127 nữ  (chiếm 42,5%). Kết quả, sau 07 cuộc hội thảo các tổ chức xã hội và cộng đồng đều mong muốn được tham gia giám sát độc lập thay đổi rừng.

Terra-i sử dụng các hình ảnh từ vệ tinh, theo chu kỳ 16 ngày.

Terra-i là một hệ thống giám sát gần thời gian thực, sử dụng ảnh vệ tinh nhằm mục đích phát hiện biến động lớp phủ thực vật, cung cấp những dữ liệu về tình trạng mất rừng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Hệ thống Terra-i có thể phát hiện những thay đổi sử dụng đất cùng với độ phân giải đủ chi tiết cho quy mô toàn cầu, quốc gia và địa phương. Bao gồm: được cập nhật thường xuyên; áp dụng cho nhiều hệ sinh thái; triển khai trong điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính và phần cứng. Nhờ vậy, cán bộ khu bảo tồn và kiểm lâm có thể sử dụng thông tin để lên kế hoạch cho các hoạt động tại hiện trường và kiểm tra hiện trường ngay khi nhận được thông tin cảnh báo sớm. Thời gian làm việc của kiểm lâm vì thế sẽ hiệu quả hơn và họ có thể lập kế hoạch tốt hơn với các hoạt động tại hiện trường.

Bên cạnh việc cung cấp dữ liệu, nhóm nghiên cứu Terra-i đã sử dụng bộ dữ liệu này phục vụ các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, như xác định các khu vực có nguy cơ mất rừng cao trong tương lai; đánh giá tác động của việc phát triển hệ thống giao thông, xây dựng đường sá và các công trình công cộng; đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động bảo tồn của khu bảo tồn, rừng quốc gia, đưa ra các dự báo về xu hướng và phân tích diễn biến tài nguyên rừng v.v… Tất cả tài liệu và kết quả của các nghiên cứu trên đều được đăng tải và độc giả có thể tham khảo trên trang web chính thức của Terra-i.

TS Đào Thị Minh Châu – Trường Đại Học Vinh.

Nói về phần mềm Terra-i, chuyên gia TS. Đào Thị Minh Châu – Trường Đại Học Vinh cho biết: phần mềm Terra-i là một phần mềm mã nguồn mở, tất cả các đối tượng đều có thể sử dụng, bằng cách truy cập vào và tìm kiếm về những thay đổi rừng của địa phương, hoặc của chính gia đình mình. Đồng thời cũng có thể tự cập nhật những kết quả tự mình kiểm chứng lên mạng một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất. Bên cạnh đó, hệ thống Terra-i sẽ cung cấp cảnh báo với tần suất 16 ngày/lần về những khu vực được phát hiện có biến động mất lớp rừng, với diện tích mất rừng nhỏ nhất là 100 m2.

Ông Nguyễn Thanh Tú người dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Trao đổi với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, Ông Nguyễn Thanh Tú – xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Năm 2012, tôi tự nguyện tham gia bảo vệ đàn Voọc gáy trắng, là một người dân Quảng Bình, tôi muốn góp một chút sức lực cho việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng. Tôi cảm thấy mỗi người dân đều nên góp công sức và công tác bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

Đàn Voọc gáy trắng tại tỉnh Quảng Bình.

Nói về chương trình hội thảo tập huấn về Chương trình giảm phát thải của Việt Nam (ER-P), ông Tú chia sẻ: Vì lần đầu tiên tiếp cận, yêu cầu chương trình rất cao, đòi hỏi sự hiểu biết của mọi người phải theo được, trong khi sự hiểu biết của người dân về rừng, bảo vệ rừng còn thấp và làm sao để có thể bảo vệ được rừng, không để rừng cạn kiệt không để rừng nghèo, không để rừng bị suy thoái và mất rừng?. Ông Tú cho biết, sau những buổi tập huấn, ông sẽ triển khai tuyên truyền tới người dân về biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên để mọi người cùng hiểu và chung tay góp sức vào công cuộc bảo vệ rừng.

Người dân tự nguyện tham gia vào việc bảo vệ rừng và động vật quý hiếm.

Chương trình giảm phát thải của Việt Nam xác định việc chuyển đổi rừng như một động lực chính của nạn phá rừng và suy thoái rừng. Cả hai loại chuyển đổi từ rừng tự nhiên theo kế hoạch và không theo kế hoạch thành các nông trại, canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng (thủy điện), công nghiệp, phát triển khác và khai thác gỗ đều tác động không nhỏ đến mất rừng và suy thoái rừng. Kết quả của việc phá rừng và suy thoái rừng và khai thác gỗ trái phép là các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, đặc biệt đối với các cộng đồng dựa vào rừng dễ bị tổn thương.

Thông qua các chương trình hội thảo, cán bộ và người dân địa phương sẽ hiểu được tổng quan về REDD+ và Chương trình hỗ trợ kĩ thuật giảm phát thải ở vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam (ER-P); Xác định được thực trạng thay đổi rừng, nguyên nhân thay đổi và công tác giám sát thay đổi rừng đang diễn ra tại địa phương; Xác định được lĩnh vực, địa bàn ưu tiên để các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương nên tập trung giám sát; Xác định được khoảng trống về (thể chế, cách tiếp cận, công nghệ, thông tin, các kỹ năng, nguồn lực,…) và điều kiện cần để các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia giám sát về sự thay đổi rừng.

Với những ưu điểm vượt trội của hệ thống, lại phù hợp với điều kiện phương tiện vật chất và nhân lực của nhiều địa phương trong việc dễ sử dụng, đồng thời bất cứ cá nhân, cộng đồng nào cũng có thể tham gia giám sát bảo vệ rừng thì việc nhân rộng phần mềm Terra-i với quy mô rộng sẽ góp phần hỗ trợ tốt cho công tác quản trị rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cho các bên có liên quan, cũng như công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng.

Văn Trì – Thạch Thảo