Đề xuất cơ chế hỗ trợ thực hiện việc thu mua và cấp đông thịt lợn

BVR&MT – Chiều nay 30/5, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn nhằm đưa ra giải pháp thu mua, cấp đông thịt lợn nhằm giữ ổn định giá cả thị trường trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi ngày càng lan rộng.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng ngày 30/5, tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đưa ra ý kiến và các lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung – cầu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp để tập trung thực hiện thu mua, giết mổ, cấp trữ đông nhằm giữ ổn định giá lợn, không để sốt giá lợn vào những tháng, quý tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để giảm thiểu lây lan dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố gây lo ngại và thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi và người dân. Dù đã có nhiều giải pháp để phòng, chống dịch, tuy nhiên với diễn biến phức tạp, bệnh dịch có nguy cơ lây lan đến hầu hết các tỉnh trong cả nước. Hiện các cơ sở chăn nuôi lớn đã phát dịch, tuy đã dập được dịch nhưng vẫn có nguy cơ phát dịch trở lại.

Theo số liệu thống kê, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 44 tỉnh, thành phố với tổng số lợn đã tiêu hủy tính đến ngày 24/5 là trên 1,7 triệu con chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung có thể gặp khó khăn. Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.

Ông Lê Văn Lộc – Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai – địa phương chăn nuôi lớn nhất toàn quốc chia sẻ, ngày 21/5, Sở Công thương Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị sản xuất, chế biến, chăn nuôi, giết mổ, phân phối trên địa bàn. Về cơ bản, các doanh nghiệp, đơn vị giết mổ, thu mua đều ủng hộ chương trình. Nhưng khó nhất với Đồng Nai hiện nay là địa phương không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn. Do đó, Bộ Công Thương có thể đứng ra chủ trì phối hợp các địa phương lân cận cùng nhau thực hiện việc cấp đông. Đơn cử, Đồng Nai thực hiện giết mổ và TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp Đồng Nai cấp đông thịt lợn” – ông Lê Văn Lộc đề xuất.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Một trong những giải pháp được đưa ra và nhận được nhiều sự đồng tình là thu mua lợn sạch, cấp đông để cấp cho thị trường khi nguồn cung thiếu để ổn định thị trường. Ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm hiện nay, 26 triệu con lợn vẫn đang an toàn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thói quen của người tiêu dùng quen sử dụng thịt lợn tươi hàng ngày, kho cấp đông và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, lượng thịt lợn cấp đông chủ yếu dùng cho doanh nghiệp chế biến, trong khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại có nguồn thịt cấp đông nhập khẩu từ nước ngoài.

Một trong những giải pháp nổi bật được Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đề xuất là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn như chi phí lưu kho, hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn việc thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và thay đổi thói quen sinh hoạt. Đặc biệt, các sở, ngành địa phương cùng vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua mặt hàng thịt lợn, cấp trữ đông nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong thời gian tới.

Thạch Thảo