Đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc cấp tỉnh

BVR&MT – Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện

Theo dự thảo, Ban Dân tộc là cơ quan chuyên môn ngang sở thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.

Ảnh minh họa.

Ban Dân tộc có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc, so với quy định tại Thông tư liên tịch 07/2014/TTLT-UBDT-NV, Ủy ban Dân tộc đề xuất bổ sung nhiệm vụ: Ban Dân tộc là cơ quan thường trực tham mưu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của tỉnh.

Ủy ban Dân tộc lý giải đề xuất bổ sung nhiệm vụ trên là do hiện nay, Ủy ban Dân tộc được Quốc hội, Chính phủ giao là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia đặt tại Ủy ban Dân tộc. Như vậy, để đồng bộ thống nhất trong quản lý, điều hành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương cần quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn để các tỉnh có cơ sở thành lập đơn vị tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ của Ban Dân tộc là tham mưu giúp UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận, bổ sung người có uy tín và thực hiện việc rà soát, bổ sung người có uy tín và thực hiện việc rà soát, bổ sung hoặc thay thế người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số đúng trình tự, thủ tục theo các quy định hiện hành và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

Ủy ban Dân tộc giải thích, căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện việc lập danh sách, phân cấp quản lý, phân công thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương; giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ và kịp thời; định kỳ tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện chính sách gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất các nhiệm vụ khác của Ban Dân tộc như: Trình UBND cấp tỉnh dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Dân tộc và các văn bản khác theo phân công của UBND cấp tỉnh; tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội đặc thù, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng căn cứ địa cách mạng và công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận những kiến nghị của công dân liên quan đến dân tộc, thành phần dân tộc, tên gọi, phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và những vấn đề khác về dân tộc xem xét trình và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.