Để rừng bị phá, lãnh đạo Đồn biên phòng chỉ… rút kinh nghiệm

BVR&MT – Hai tập thể và 18 cá nhân có liên quan phải nhận hình thức kỷ luật liên quan đến các vụ rừng biên giới tỉnh Gia Lai bị tàn phá, nhiều vụ việc phá hoại rừng chỉ cách Đồn Biên phòng khoảng vài km.

Rừng bị phá tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chiêng quản lý. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Hai tập thể và 18 cá nhân có liên quan phải nhận hình thức kỷ luật liên quan đến các vụ rừng biên giới tỉnh Gia Lai bị tàn phá, nhiều vụ việc phá hoại rừng chỉ cách Đồn Biên phòng khoảng vài km.

Tuy nhiên, sau khi xử lý, các lãnh đạo Đồn Biên phòng chỉ nhận hình thức rút kinh nghiệm.

Theo Báo cáo số 203/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai ngày 19/4/2019, hai tập thể (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và Đồn Biên phòng Ia O) và 18 cá nhân (thuộc các cơ quan, đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai và Đồn Biên phòng Ia O, Đồn Biên phòng Ia Chía, Ủy ban Nhân dân xã Ia O, Ủy ban Nhân dân xã Ia Chía) nhận hình thức khiển trách, rút kinh nghiệm khi chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

Hai tập thể và 18 cá nhân bị kỷ luật này liên quan đến 4 vụ chặt, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Ia Grai xảy ra trong 2 tháng đầu năm 2019, trong đó, hai vụ đã được khởi tố trong quý I năm 2019, hai vụ còn lại đang củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật.

Vụ thứ nhất xảy ra tại lô 9 khoảnh 5, tiểu khu 369 xã Ia Chía với diện tích thiệt hại gần 50.000m2 rừng tự nhiên quy hoạch rừng phòng hộ. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng điều tra xác định 6 đối tượng có liên quan và đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vào giữa tháng 3/2019 về tội hủy hoại rừng.

Vụ thứ hai xảy ra tại 2 lô 6 và 9 khoảnh 5 tiểu khu 344, xã Ia O với diện tích thiệt hại gần 20.000m2 rừng trồng quy hoạch rừng sản xuất. 14 đối tượng có liên quan trong vụ việc bị khởi tố.

Vụ thứ ba và thứ tư đều xảy ra tại lô 22, khoảng 8, tiểu khu 344, Xã Ia O, diện tích thiệt hại là hơn 8.000m2 rừng tự nhiên quy hoạch rừng phòng hộ. Hiện đã phát hiện được hai đối tượng phá rừng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

3 trong 4 vụ phá rừng liên tiếp xảy ra gần như ở một địa điểm, nơi này chỉ cách Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) vài km.

Theo báo cáo kết quả tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của Đồn Biên phòng Ia O gửi về Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai, với cương vị là Đồn trưởng, ông Đinh Công Thông tự nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Đảng ủy Đồn và Đảng ủy cấp trên vì chưa kịp thời, thường xuyên trong công tác chỉ huy, chỉ đạo nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát địa bàn.

Tại một diễn biến có liên quan, trong biên bản họp cơ quan của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai, ông Lê Tiến Hiệp, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Ủy ban Nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai trong việc buông lỏng quản lý, chưa chỉ đạo kịp thời cấp dưới trong quản lý bảo vệ rừng, không kịp thời ngăn chặn, để các đối tượng lấn chiếm, khai thác rừng trong lâm phần quản lý.

Theo kiến nghị đề xuất của Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai – đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao quản lý diện tích rừng trên lâm phần mà không thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản kịp thời các vụ vi phạm.

Để liên tục xảy ra các vụ phá rừng như vậy, hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai trong công tác bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả, cần chấn chỉnh những hạn chế yếu kém.

Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai đã đề nghị Ủy ban Nhân dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai có giải pháp kiện toàn, củng cố lại hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế xảy ra trong thời gian qua.