Đề nghị quan tâm bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023

BVR&MT – Sáng 4/6, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ dự họp, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Riêng với khoản tiết kiệm chi từ chậm trả lãi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây thực tế là tiền giảm dự toán so với số chi trả nợ, nên không xác định là khoản tăng thu tiết kiệm chi.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không đưa khoản này vào nguồn phân bổ số tăng thu, tiết kiệm chi.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi do Chính phủ trình, trong đó có khoản bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là 2.200 tỷ đồng; bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương là hơn 21.661 tỷ đồng.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì cần điều chỉnh tiền lương vào khoảng 1/7 hằng năm.

Trước đây, hằng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương khoảng từ 7% đến 8%, nhưng 3 năm qua thì chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Thời gian năm sau, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tính toán việc này, vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, là vấn đề kích cầu. Nếu điều chỉnh 7% cũng không phải là lớn, ngân sách có thể tính toán được.

Với các phương án phân bổ khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Riêng với số vốn còn lại chưa phân bổ là 11.836 tỷ đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất phương án với Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Các phương án được đề xuất là bố trí nguồn tăng cường cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, giảm áp lực về bội chi và nợ công, xem xét thưởng thêm cho một số địa phương vượt thu, bố trí cho một số dự án đầu tư công có nhu cầu cấp bách và có thể hoàn thành ngay trong năm 2022.

Trong trường hợp Chính phủ không xây dựng phương án sử dụng khoản này thì đề nghị giảm bội chi để tăng chi trả nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.